Toàn tỉnh Lâm Đồng hiện có 33 mô hình được công nhận là “Điểm du lịch canh nông”. Đây là mô hình du lịch mới, góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch, thu hút du khách, tăng giá trị tổng hợp của ngành nông nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Theo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng, thực hiện Đề án thí điểm xây dựng mô hình du lịch canh nông, Sở đã chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức đoàn thẩm định và ra quyết định công nhận Mô hình “Điểm du lịch canh nông” cho 33 tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Trong đó, thành phố Đà Lạt: 23 mô hình; huyện Đức Trọng: 3 mô hình; huyện Lâm Hà: 2 mô hình; huyện Lạc Dương: 2 mô hình; huyện Đơn Dương: 1 mô hình; huyện Bảo Lâm: 1 mô hình; huyện Đạ Huoai: 1 mô hình.
Quyết định công nhận Mô hình “Điểm du lịch canh nông” có thời hạn trong vòng 3 năm kể từ ngày ký. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và thay đổi định hướng trong kinh doanh nên hiện nay có 4 đơn vị ngưng hoạt động, gồm hộ ông Trần Đức Quang (thuộc Hợp tác xã Xuân Hương); Chi nhánh Trung tâm Nghiên cứu và Thực nghiệm Nông nghiệp Đà Lạt (Tập đoàn Lộc Trời); Công ty TNHH DL Nature’s; Atisô sạch Nguyễn Văn Tịnh (thành viên Tổ hợp tác Atisô Đạt Thành).
Các mô hình du lịch canh nông đã từng bước đa dạng hóa sản phẩm, xây dựng các công trình, tiểu cảnh phục vụ nhu cầu của du khách trong và ngoài nước. Tổng vốn đầu tư cho các mô hình du lịch canh nông khoảng 377 tỷ đồng. Diện tích triển khai các mô hình du lịch canh nông hơn 302 ha; trong đó, diện tích đất nông nghiệp 212 ha, diện tích đất xây dựng khoảng 9 ha và diện tích đất khác là 81 ha; tổng diện tích khu nhà kính, trưng bày, khu vực ăn uống, nhà vệ sinh, bãi đậu xe… chiếm khoảng 20,8 ha.
Theo Tiến sĩ Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, Du lịch canh nông là mô hình du lịch mới, đã và đang triển khai thực hiện thí điểm theo chủ trương của Tỉnh ủy và UBND tỉnh, góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch, thu hút du khách, tăng giá trị tổng hợp của ngành nông nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Ông S đánh giá, việc phát triển du lịch canh nông là hướng đi đúng và cần thiết. Bởi, nếu không có du lịch canh nông thì nông nghiệp chỉ là nông nghiệp, nhưng khi có du lịch thì giá trị của sản phẩm nông nghiệp sẽ được tăng lên rất nhiều lần. Đà Lạt hiện đã có một số mô hình du lịch đạt đẳng cấp quốc tế. Nhưng cũng có một số điểm quy mô nhỏ, trùng lặp, tạm bợ gây ảnh hưởng đến chất lượng của Du lịch canh nông.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, chủ đầu tư các Điểm du lịch canh nông trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có phần chủ quan và nôn nóng triển khai thực hiện thi công, hoàn thành đưa vào sử dụng, nên xuất hiện nhiều trường hợp vi phạm trật tự xây dựng, các sở, ngành và chính quyền địa phương còn lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện đề án. Do đó, mới đây, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản thông báo tạm dừng việc công nhận mới đối với mô hình Du lịch canh nông.
Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S, việc tạm dừng này là để tổng kết đánh giá tình hình thực hiện Đề án thí điểm xây dựng các mô hình du lịch nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
“Trên cơ sở các ý kiến của doanh nghiệp, đại diện các mô hình, các sở, ngành địa phương, các tiêu chí đánh giá xét công nhận mô hình du lịch canh nông sẽ tiếp tục được tỉnh chỉnh sửa, lấy ý kiến rộng rãi để chính thức ban hành, dự kiến trong tháng 1/2021”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, khẳng định.
ĐÀ LẠT: BA THIÊN ĐƯỜNG, HAI HỘI TỤ, MỘT TẦM NHÌN
XUÂN TÂN SỬU: NGẮM MAI ANH ĐÀO ĐÀ LẠT