Bắc Ninh không chỉ được nhắc đến bởi các địa danh nổi tiếng, những câu ca quan họ trữ tình, những món ăn đồng quê mộc mạc nhưng vô cũng hấp dẫn. Nơi đây còn được mệnh danh là quê hương của những lễ hội truyền thống. Ở Bắc Ninh, mỗi năm có khoảng gần 500 lễ hội lớn, nhỏ được tổ chức vào tất cả các mùa trong năm. Sau đây 123tadi.com giới thiệu đến bạn, top 10 lễ hội truyền thống lớn nhất tại Bắc Ninh, nếu có dịp ghé thăm hãy tham gia và cảm nhận lễ hội truyền thống nơi đây nhé!
Hội Lim - Lễ hội miền Bắc
Hội Lim được tổ chức từ ngày 12 đến ngày 14 tháng giêng hàng năm, trên địa bàn huyện Tiên Du, Tỉnh Bắc Ninh. Hội Lim là hội của những làng cổ nằm quanh núi Lim và đôi bờ sông Tiêu Tương, được tổ chức vào đầu mùa xuân. Là lễ hội có lịch sử rất lâu đời, và phát triển tới quy mô hội hàng tổng (tổng Nội Duệ). Trên cơ sở lễ hội truyền thống của các làng trong tổng Nội Duệ với nhiều nghi lễ rước, tế lễ và các hoạt động nghệ thuật dân gian hết sức phong phú như: hát trống quân, hát chèo, ca trù, hát tuồng và hát quan họ…gồm 2 phần chính: phần lễ và phần hội.
Phần lễ bắt đầu chính thức từ ngày 13/1 âm lịch. Hội Lim được chính thức bắt đầu bằng lễ rước vào lúc 8 giờ sáng, với sự góp mặt của đông đảo người dân trong những bộ lễ phục ngày xưa, màu sắc sặc sỡ, cầu kì và độc đáo, kéo dài cả cây số. Có rất nhiều nghi lễ và tục trò dân gian nổi tiếng, trong đó có tục hát thờ Hậu. Để hát thờ, các quan họ nam và nữ của tổng Nội Duệ đứng thành hàng trước cửa lăng hát vọng vào. Trong khi hát, họ chỉ được hát những giọng lề lối để ca ngợi công lao của thần.
Phần hội có nhiều trò chơi dân gian như đấu võ, đấu vật, đấu cờ, đu tiên, thi dệt cửi, nấu cơm…trong đó phần hát hội là đặc trưng nhất của Hội Lim với nhiều hát khác nhau như: hát mời trầu, hát gọi đò đến con sáo sang sông, con nhện giăng mùng…Tại một hồ nước nhỏ sát bên cánh đồng làng Lim, chiếc thuyền hình rồng được sơn son thiếp vàng rời bến trong những câu hát đậm đà nghĩa tình. Một bên thuyền là các liền chị, đối diện là những em nhỏ súng sính trong những tà áo tứ thân. Các liền anh thì đứng hoặc ngồi sát hai phía đầu và cuối thuyền. Tối ngày 12 sẽ là đêm hội hát thi quan họ giữa các làng. Nét đẹp của bản sắc văn hóa và phong tục tập quán được hội tụ đầy đủ ở Hội Lim, nếu bạn là con người thích khám phá lễ hội truyền thống thì không nên bỏ qua lễ hội này khi tới Bắc Ninh nhé!
Lễ hội Đền Đô - Lễ hội đặc sắc Bắc Ninh
Lễ hội Đền Đô là lễ hội truyền thống lâu đời ở Bắc Ninh đi vào sử sách dân tộc. Được diễn ra vào ngày 14,15,16/3 âm lịch hàng năm, tại làng Đình Bảng, xã Đình Bảng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Đây là lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc và âm vang tiếng gọi cội nguồn. Theo tương truyền, đúng vào ngày này năm xưa Lý Thái Tổ đăng quang, làm lễ tế trời và đặt niên hiệu là Thuận Thiên mong cho thiên hạ ấm no, thái bình và thịnh vượng.
Lễ hội được diễn ra trong vòng 3 ngày, nhưng chính hội là ngày 15/3 – ngày Lý Thái Tổ lên ngôi. Phần lễ là nghi thức “Túc Yết” hay nói cách khác chính là nghi thức rước Lý Thánh Mẫu Minh Đức Hoàng Thái hậu phạm thị, người đã có công sinh thành ra Lý Thái Tổ. Ðám rước với hàng vạn người tham gia từ chùa Kim Ðài đến đền Ðô. Ði đầu đám rước gồm có một đoàn tướng võ, cởi trần, đóng khố, tay cầm truỳ đồng và hàng trăm quân sĩ đi theo. Tiếp đến là 100 người khiêng kiệu mặc áo đỏ, mũ đen. Ði đầu là kiệu của Thánh Mẫu có 18 nữ tướng theo sau rồi đến kiệu Bát Ðế, mỗi kiệu một con ngựa và có 16 nam tướng mặc áo đỏ. Sau cùng đoàn rước là các vị mặc sắc phục lễ hội, hương lão và dân làng dự hội, cờ lọng che rợp đồng nội, tiếng trống vang trời.
Nếu phần lễ mang đậm tính tín ngưỡng, tâm linh thì phần hội là những hoạt động vui chơi giải trí, gần gũi với văn hóa thường nhật như đấu vật, thi nấu cơm niêu đất, chơi chọi gà,…và không thể thiếu được những tiết mục hát quan họ đặc trưng. Đây là lễ hội truyền thống có từ lâu đời và trở thành phong tục không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân nơi đây. Với những giá trị văn hoá lịch sử truyền thống, lễ hội Đền Đô như tiếng gọi cội nguồn nhắn nhủ các thế hệ mai sau hãy biết trân trọng và gìn giữ tinh hoa mà cha ông bao đời xây đắp.
Lễ hội Chùa Bút Tháp - Lễ hội miền Bắc
Nổi tiếng với bức tượng Phật Quan Âm nghìn tay, nghìn mắt bằng gỗ lớn nhất Việt Nam, có kiến trúc cổ hoàn chỉnh nhất còn sót lại và cũng là ngôi chùa được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt. Hàng năm, ngôi chùa Bút Tháp đón tiếp hàng nghìn lượt khách tới tham quan, cứ đến mùa lễ hội lượt khách tới đây càng trở nên đông đúc, lễ hội Chùa Bút Tháp dần trở thành một trong những lễ hội nổi tiếng được du khách trong và ngoài nước biết đến nhiều.
Lễ hội Chùa Bút Tháp được diễn ra trong 2 ngày là 23 và 24/3 âm lịch hàng năm. Với các hoạt động mang đậm bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc. Tương tự như các lễ hội khác, lễ hội Chùa Bút Tháp cũng sẽ tổ chức phần lễ gồm các hoạt động tín ngưỡng như: Dâng hương, lễ cúng Phật, lễ cũng Tổ,…tất cả các hoạt động này đều được tổ chức tại khu nội tự của chùa. Phần hội bao gồm các chương trình: văn nghệ, các hoạt động trò chơi dân gian, thú vị khác nhau như: Múa hát, thi thả chim bồ câu, thi cờ tướng, bóng bàn,…nếu ghé Bắc Ninh dịp này, hãy hòa mình vào lễ hội để có những trải nghiệm thú vị nhé!
Tham khảo một số lễ hội đặc sắc ở miền Bắc: