UBND tỉnh Quảng Ninh vừa tổ chức cuộc họp nghe báo cáo triển khai tái lập hồ sơ trình UNESCO công nhận quần thể di tích danh thắng Yên Tử là di sản thế giới. Trước đó, từ năm 2012, UBND tỉnh Quảng Ninh có thông báo giao Ban Quản lý các di tích trọng điểm Quảng Ninh chủ trì lập hồ sơ khoa học trình UNESCO công nhận quần thể di tích và danh thắng Yên Tử là di sản thế giới. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức các cuộc hội thảo với sự tham gia của nhiều nhà khoa học uy tín để thảo luận vấn đề này. Đến năm 2014, website của Trung tâm Di sản thế giới chính thức đăng tải hồ sơ Yên Tử vào danh mục dự kiến xây dựng hồ sơ di sản thế giới.
Từ năm 2015 đến nay, tỉnh Quảng Ninh giao Công ty CP Phát triển Tùng Lâm tổ chức các cuộc khảo sát thực địa với sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà khoa học. Sở Văn hóa - Thể thao xây dựng báo cáo tóm tắt và kế hoạch tổng thể lập hồ sơ đề cử quần thể di tích nhà Trần và Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử tại Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương. Đặc biệt, năm 2015, chuyên gia của ICOMOS và Việt Nam thực hiện khảo sát các địa điểm thuộc khu di sản trên địa bàn 3 tỉnh: Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương.
Sau khi nghe báo cáo của Sở Văn hóa - Thể thao, các chuyên gia thảo luận vấn đề liên quan đến quy mô, phạm vi, các tiêu chí xây dựng hồ sơ, thời gian thực hiện, công tác quản lý, tuyên truyền quảng bá… Tại cuộc họp, ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Quảng Ninh làm việc với Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia; xây dựng lộ trình thực hiện; tổ chức các cuộc họp kết nối, trao đổi với các địa phương liên quan để thống nhất nội dung thực hiện. Dự kiến đến cuối tháng 9/2020, tỉnh Quảng Ninh sẽ hoàn thiện hồ sơ tóm tắt, hết năm 2020 hoàn thiện hồ sơ chính để trình UNESCO.
Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử bao gồm khu di tích Yên Tử (Quảng Ninh) với khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử (tỉnh Bắc Giang) và khu di tích lịch sử - văn hóa Côn Sơn - Kiếp Bạc (tỉnh Hải Dương). Tất cả hình thành một không gian tôn giáo, văn hóa đặc trưng không chịu sự chia cắt của địa giới hành chính nên cần sự phối hợp để bảo đảm sự vẹn toàn, quy mô của di sản. Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử có tầm quan trọng đặc biệt. Chính phủ đã nhận diện, xếp hạng hàng loạt các di tích, danh lam thắng cảnh trong khu di sản ở cấp tỉnh, cấp quốc gia và cấp quốc gia đặc biệt, với đầy đủ bốn loại hình di tích, danh lam thắng cảnh, bao gồm: các di tích lịch sử; các di tích kiến trúc - nghệ thuật; các di tích khảo cổ; các địa điểm danh lam thắng cảnh. Quần thể di tích và danh thắng Yên tử đang được kỳ vọng có thể là di sản thế giới liên tỉnh đầu tiên ở Việt Nam.
Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử nay phần lớn nằm trên địa phận phường Phương Đông và xã Thượng Yên Công (TP Uông Bí) và một phần thuộc xã Hồng Thái Đông (huyện Đông Triều). Khu di tích bao gồm các công trình kiến trúc tôn giáo chùa, am, tháp được xây dựng rải rác theo tuyến trải dài từ Bí Thượng (chân Dốc Đỏ) đến đỉnh núi Yên Tử, vùng phụ cận quanh chân núi từ thời Trần đến nay và cảnh quan thiên nhiên, thảm thực vật, các loài động vật trên núi rừng Yên Tử. Yên Tử là một địa điểm có sự kết hợp hài hoà giữa cảnh quan thiên nhiên với các công trình kiến trúc, nghệ thuật có giá trị đặc biệt của quốc gia, bao gồm: Chùa Bí Thượng, chùa Suối Tắm, chùa Cầm Thực (tên chữ là Linh Nhâm tự), chùa Lân (tên chữ là Long Động tự), chùa Giải Oan, vườn tháp Hòn Ngọc (bao gồm 9 ngôi tháp lớn nhỏ bằng đá và gạch), khu tháp Tổ (còn gọi là vườn tháp Huệ Quang), chùa Hoa Yên (tên chữ là Hoa Yên tự), chùa Một Mái (tên chữ là Bán Thiên tự), chùa Bảo Sái, chùa Vân Tiêu, chùa Đồng (tên chữ là Thiên Trúc tự). Ngoài ra còn một số am như: Am Dược, am Thung, am Thiền Định, am Lò Rèn, am Diêm…
Những giá trị đặc biệt của Khu di tích lịch sử danh thắng Yên Tử:
Giá trị lịch sử:
Di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử là nơi hình thành, ra đời và phát triển của Trung tâm Phật giáo Thiền Tông thuần Việt, do người Việt trực tiếp sáng tạo ra. Đây là một trong những di tích lớn và ra đời sớm ở nước ta. Hệ thống chùa, am, tháp, bia, tượng… ở Yên Tử là những tư liệu lịch sử vật chất quý báu, gắn liền với tên tuổi và sự nghiệp tu hành của Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông và các thế hệ thiền sư tu hành tại đây.
Đặc biệt các văn bia ở Yên Tử đều chứa đựng một lượng thông tin rất lớn, qua nghiên cứu các văn bia ở đây chúng ta có thể lập lại được một phả hệ những nhà sư đã tu hành tại đây cùng với lược sử của họ, từ đó có thể nghiên cứu được tình hình phát triển của Phật giáo Trúc Lâm qua từng thời kỳ. Trải qua các thời kỳ: Lý, Trần, Lê, Nguyễn, danh sơn Yên Tử trở thành nơi hội ngộ của các bậc thiền sư đạo cao đức trọng như Tổ Chân Nguyên, ni sư Đàm Thái, Đệ Nhất Tổ Trần Nhân Tông, Đệ Tam Tổ Huyền Quang...
Giá trị văn hoá:
Sự ra đời và phát triển của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử để lại cho hậu thế những bản kinh văn và các bản sách quý giá, những sách dạy cho các tăng môn và dân chúng của Thiền phái Trúc Lâm tu tập, sám hối, tu hành thập thiện như: Thiền tâm thiết chuỷ ngữ lục, Đại Hương Hải ấn thi tập, Tăng già Toái sự, Thạch thất Mỹ Ngữ, Truyền Đăng Lục, Thượng Sĩ hành trang… Đây là những di sản văn hoá phi vật thể quý giá đang đồng hành cùng sự phát triển của lịch sử dân tộc.
Thiền phái Trúc Lâm để lại cho đời sau nhiều công trình văn hoá vật thể quý báu: chùa chiền, am, tháp được hình thành trong quá trình ra đời và phát triển của chốn tổ Trúc Lâm tại Yên Tử. Những di sản vật thể quý báu đó đã phản ánh khá rõ nét về sự phát triển của kiến trúc, mỹ thuật, điêu khắc Việt Nam qua các triều đại Lý - Trần - Lê - Nguyễn. Đó là những báu vật, cổ vật có một không hai trong kho tàng văn hoá Việt Nam.
Giá trị tư tưởng:
Trong lịch sử xã hội Việt Nam, Phật giáo ở nước ta từ thế kỷ thứ 7 đến thế kỷ thứ 18 đều do Thiền tông chủ yếu lãnh đạo và truyền bá. Các hệ phái Thiền tông hầu hết từ Trung Hoa truyền sang: Phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi, phái Vô Ngôn Thông, phái Thảo Đường… Những vị tổ đứng đầu mỗi hệ phái đa phần là người Trung Hoa, Ấn Độ, chỉ có phái Thiền Trúc Lâm có ông tổ là người Việt Nam, mới thông cảm với tâm tư nguyện vọng, phong tục tập quán của người Việt Nam, giáo hoá thích ứng với nhu cầu của Phật tử Việt Nam.
Giá trị thắng cảnh:
Yên tử - một trong những linh sơn của đất nước, bên cạnh cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, còn là nơi bảo tồn được rất nhiều loài động thực vật quý hiếm mà không một vùng núi nào có được, đặc biệt là các loài cây quý như Tùng, Trúc, Mai và các loại cây thuốc nam quý hiếm.
Vẻ đẹp của Yên Tử là sự kỳ vĩ của núi non hoà với nét cổ kính, trầm mặc của chùa tháp, là sự thơ mộng của suối nước trời mây chen trong cây cỏ hoa lá và chim muông, là sự phong phú của thảm thực vật đa dạng và những loại cây dược liệu có giá trị. Chính vì vậy mà từ xa xưa Yên Tử được xếp là một trong 72 phúc địa của nước ta. Đại Thanh nhất thống chí có ghi: “Núi Yên Tử là nơi đắc đạo của Yên Kỳ Sinh nhà Hán. Năm Tự Đức thứ ba liệt vào hạng danh sơn, chép trong điểm thờ” (Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, tr 395”). Sau này các triều đại phong kiến nước ta đều xếp Yên Từ vào loại “danh sơn”…Với những giá trị đặc biệt đó, Thủ Tướng chính phủ ban hành Quyết định số 1419/QĐ-TTg, ngày 27/9/2012 xếp hạng Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Yên Tử là di tích quốc gia đặc biệt.
(Theo Báo Văn hóa)
Xem thêm: