Huế thật sự trở nên đáng yêu hơn, thú vị hơn khi xuất hiện các tà Áo dài ngũ thân trên đường chạy Marathon. Điều quan trọng là bạn hãy có một tấm lòng rộng mở, một cái nhìn văn hóa với Cố đô!
Mới đây, tại TP. Huế đã diễn ra Giải Marathon do Báo điện tử VnExpress phối hợp với tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức. Đây là giải Marathon có quy mô lớn nhất từ trước đến nay được tổ chức ở Cố đô Huế, khi thu hút được hơn 4.500 vận động viên chuyên nghiệp, không chuyên và hơn 1.000 vận động viên nhí, tham gia.
Thời tiết tuyệt đẹp, người dân Huế thân thiện, mến khách đã tạo nên thành công hơn cả mong đợi.
Đặc biệt trong giải lần này có một số vận động viên (cả người lớn và vận động viên nhí) mặc áo dài để thi đấu, tạo nên một sắc màu rất thú vị, khiến các vận động viên khác và công chúng tham gia cổ vũ rất thích thú.
Tuy nhiên, khi những hình ảnh này được đưa lên báo chí, mạng xã hội thì cũng có một số người dè bỉu, chê bai, thậm chí dùng những ngôn từ khá nặng nề.
Cần phải thấy rằng, Marathon là môn thể thao có tính đại chúng rất cao, mọi người dân không phân biệt giới tính, sắc tộc, tôn giáo... đều có thể tham gia, miễn là đủ sức khỏe. Nhưng đây cũng là bộ môn đòi hỏi sức bền, ý chí phấn đấu, sức chịu đựng nên thực sự là một thử thách không nhỏ với những người tham dự.
Do không quy định bắt buộc về trang phục thi đấu nên các vận động viên có thể tự Setup cho mình một bộ đồ mà họ ưng ý nhất (miễn là không vi phạm các quy định về pháp luật và đạo đức). Vì vậy, lựa chọn trang phục thi đấu còn thể hiện ý chí, nguyện vọng, sở thích, tình yêu... của vận động viên.
Việc một số vận động viên đến từ TP. HCM, Hà Nội... và cả vận động viên người Huế chọn trang phục áo dài, áo ngũ thân làm trang phục thi đấu để thể hiện tình yêu của mình đối với Huế, hoặc ủng hộ, cổ vũ chủ trương xây dựng Huế thành "Kinh đô áo dài Việt Nam" của Chính quyền và Nhân dân địa phương là một việc làm bình thường, thậm chí rất đáng hoan nghênh bởi họ đã tạo thêm sự thú vị, giàu sắc màu cho giải đấu.
Áo dài ngũ thân vốn được sáng tạo từ mấy trăm năm trước tại Huế, từ đó lan tỏa ra toàn quốc, trở thành bộ trang phục phổ thông của người Việt, và từ hơn trăm năm trước đã được gọi là Quốc phục, Nam phục, để phân biệt với Âu phục - trang phục ảnh hưởng của văn minh phương Tây.
Từ khi ra đời, Áo ngũ thân dành cho cả nam lẫn nữ và là THƯỜNG PHỤC chứ không phải là TẾ PHỤC, LỄ PHỤC, nên được người xưa sử dụng trong mọi hoạt động, kể cả trong lao động sản xuất.
Khoảng thập niên 1970 trở về trước, ở Huế người ta có thể gặp bộ trang phục này ở mọi nơi, mọi đối tượng, nhất là phụ nữ, từ cô giáo, học sinh ở trường học, tiểu thương ngoài chợ, ngay cả Mệ bán bún gánh, bán chè, bán đậu hũ đến O chèo đò ngang sông Hương... hầu như ai cũng mặc áo dài, trong đó phổ biến là Áo ngũ thân.
Vì vậy, việc một số vận động viên mặc Áo ngũ thân tham gia chạy Marathon hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến "thuần phong mỹ tục", hay ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của Huế, vùng đất của văn hóa, di sản.
Trái lại, có thể xem đây là một cách thể nghiệm rất thú vị, để có thể hiểu thêm ông bà chúng ta khi xưa họ mặc bộ trang phục ấy khi lao động vất vả thì sẽ có cảm giác ra sao.
Và thật thú vị là tất cả các vận động viên mặc Áo ngũ thân tham gia giải Marathon lần này, cả vận động viên nam lẫn nữ, vận động viên nhí tham gia giải KUN Marathon, đều hoàn thành xuất sắc đường chạy của mình, chứ không phải mặc áo dài tham gia để làm màu, làm cảnh.
Huế thật sự trở nên đáng yêu hơn, thú vị hơn khi xuất hiện các tà Áo dài ngũ thân trên đường chạy. Điều quan trọng là bạn hãy có một tấm lòng rộng mở, một cái nhìn văn hóa về Cố đô!
- HUẾ PHÁT HUY GIÁ TRỊ ĐÔ THỊ DI SẢN VĂN HOÁ
- "QUẨY" CÙNG HUE - COUNTDOWN 2021 AN TOÀN VỚI KHẨU TRANG MIỄN PHÍ