Đến với Đà Nẵng - “thành phố đáng sống”, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng những danh lam thắng cảnh, những món đặc sản động lòng người mà còn được tham gia rất nhiều lễ hội truyền thống đậm chất văn hóa xứ Quảng. Để hiểu rõ về những nét văn hóa này, Thiên Nhân Travel sẽ giới thiệu đến bạn 9 lễ hội Đà Nẵng đặc trưng và nổi tiếng nhất nhé!!! Les’t Go...
1. Lễ hội Pháo Hoa Đà Nẵng
Lễ hội pháo hoa Đà Nẵng hay thường được gọi là “Festival Pháo Hoa Đà Nẵng”. Lễ hội được tổ chức hàng năm vào dịp 30/4 – 1/5, đây là lễ hội đặc trưng nhất của Đà Nẵng nơi bạn sẽ chiêm ngưỡng những chùm pháo hoa rực rỡ, đủ màu sáng bừng cả dòng sông Hàn
Vào những ngày lễ pháo hoa, Đà Nẵng sáng rực cả một bầu trời, lung linh dưới ánh sáng rực rỡ làm cho thành phố thêm năng động, nhộn nhịp và cuồng nhiệt hơn. Hòa theo không khí rộn ràng của các đêm pháo hoa là nhiều sự kiện, lễ hội được đồng hành diễn ra như lễ hội văn hóa Chăm, lễ hội đường phố vui nhộn và không gian ẩm thực độc đáo cùng những chương trình khuyến mãi hấp dẫn…
2. Lễ hội Mục Đồng
Lễ rước Mục Đồng là lễ hội dành cho những đứa trẻ chăn trâu được tổ chức ở làng Phong Lệ, Hòa Châu, Hòa Vang. Lễ hội được tổ chức 3 năm một lần và diễn ra trong hai ngày cuối tháng ba âm lịch với ý nghĩa cầu mong một vụ mùa bội thu.
Lễ hội rước Mục Đồng có rất nhiều hoạt động diễn ra trong suốt hai ngày với những màu sắc rực rỡ và tình người ấm áp của những con người bình dị nơi đây. Xuyên suốt lễ hội sẽ có những trò chơi dân gian hấp dẫn, các màn trình diễn độc đáo của những đứa trẻ chăn trâu sẽ để lại ấn tượng khó quên trong lòng du khách khi đến Đà Nẵng.
3. Lễ hội Cầu Ngư
Lễ hội Cầu Ngư hay còn được gọi là lễ hội Cá Ông (Cá Voi) là một trong những lễ hội truyền thống lớn nhất của ngư dân thành phố Đà Thành. Cá Ông là tiếng gọi tôn kính của ngư dân dành riêng cho cá voi – loài cá thường giúp đỡ ngư dân khi gặp nạn trên biển cả.
Lễ hội Cá Ông được tổ chức theo hình thức lễ hội Cầu Ngư với khát vọng được bình yên trong cuộc sống của ngư dân, mong muốn một năm mưa thuận gió hòa và khoan đầy ắp cá mỗi lần ra khơi. Lễ hội thường được tổ chức ở những vùng ven biển như Thái Quang, Xuân Hà, Hòa Hiệp… vào thời gian sau khi ăn Tết xong.
4. Lễ hội Quán Thế Âm Bồ Tát
Lễ hội Quán Thế Âm là lễ hội dân gian mang đậm nét truyền thống tín ngưỡng tôn giáo. Lễ hội tổ chức vào ngày 17, 18, 19 tháng 2 Âm Lịch hàng năm tại núi Ngũ Hành.
Lễ hội mang ý nghĩa cầu mong Quốc thái dân an, chúng sinh an lạc, khơi dậy lòng từ bi trong mỗi con người, hướng thiện và hòa hợp giữa Phật Pháp với tình yêu quê hương đất nước. Nếu du khách đi du lịch Đà Nẵng vào giai đoạn này sẽ được tham gia vào các hoạt động văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc như hát dân ca, thi cờ, điêu khắc, thả đền trên sông…
5. Lễ hội Làng cổ Túy Loan
Làng cổ Túy Loan là một trong những ngôi làng cổ nhất ở Đà Nẵng với trên 500 tuổi. Trải qua bao thăng trầm thời gian, đình làng Túy Loan đã bị mai một dần nhưng vẻ tôn nghiêm, uy nghi vẫn không hề bị phai tàn.
Lễ hội làng cổ Túy Loan được tổ chức vào ngày mồng 9 Tết hàng năm và chỉ kéo dài trong hai ngày. Lễ hội được diễn ra với hai phần chính là phần lễ và phần hội. Phần lễ là nghi thức làm lễ rước Sắc Phong đình và lễ dân hương để bày tỏ sự tôn kính của dân làng. Sau phần lễ là phần hội – phần được xem là nghi thức không thể thiếu trong bất kỳ các hội làng nào.
Phần hội nhộn nhịp với nhiều trò chơi dân gian truyền thống như đẩy gậy, kéo co, đua thuyền… và đặc biệt là hội thi nướng báng tráng – đặc sản nổi tiếng của làng cổ Túy Loan. Tham dự lễ hội đình làng Túy Loan sẽ giúp du khách hiểu thêm được phần nào về vùng đất, phong tục và con người bình dị nơi đây.
6. Lễ hội làng An Hải
Làng An Hải thuộc phường An Hải Tây, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng. Lễ hội truyền thống ở làng An Hải được tổ chức vào ngày mồng 10 tháng 8 thường niên. Tại lễ hội diễn ra nhiều cuộc thi tranh tài như cờ tướng, kéo co, múa lân… mang đậm nét văn hóa đặc trưng của người dân làng An Hải nói riêng và Việt Nam nói chung.
Lễ An Hải nhắc nhở mọi người luôn nhớ về một quá khứ hào hùng, một vùng đất oanh liệt còn vang vọng đến bây giờ sẽ đưa du khách khám phá những điều tuyệt vời về di sản cũng như văn hóa truyền thống của thành phố biển xinh đẹp mang tên Đà Nẵng.
7. Lễ hội làng Hòa Mỹ
Hòa Mỹ là ngôi làng ở phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng. Lễ hội làng Hòa Mỹ được tổ chức vào ngày 12/1 Âm Lịch hàng năm với ý nghĩa nhắc nhở con cháu luôn luôn nhớ đến tinh thần “uống nước nhớ nguồn” cũng như nhìn lại những việc đã làm được trong một năm qua và định hướng cho năm kế tiếp.
Phần lễ sẽ diễn ra các nghi lễ truyền thống như nghi lễ Cầu quốc Thái dân an, dâng hương cổ truyền và dân vòng hoa tưởng niệm những người có công với các mạng với làng. Sau phần lễ là phần hội – thời điểm diễn ra các hoạt động văn hóa nghệ thuận đậm chất dân gian như hát bài chòi, đập om, bắt vịt, cắm hoa, nấu ăn…
8. Lễ hội Carnival – Bà Nà Hills
Lễ hội Carnival là lễ hội thường niên được tập đoàn Sun Group tổ chức từ tháng 4 đến tháng 9, lễ hội Carnival mang âm hưởng của lễ hội đường phố với nhiều màu sắc, nhiều nghệ thuật đặc sắc của các đoàn nghệ sỹ đến từ Châu Âu.
Lễ hội Carnival được tổ chức kéo dài và quy mô lớn với trên 250 người nghệ sỹ cùng nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau như âm nhạc đường phố, nghệ thuật nhân tượng (body painting), khiêu vũ, xiếc tung hứng, ảo thuật… đặc biệt khi tham gia bạn sẽ thưởng thức đủ loại bánh trái từ Âu Châu đấy!!!
9. Đua thuyền - Lễ hội Đà Nẵng
Lễ hội đua thuyền hàng năm ở Đà Nẵng được tổ chức vào tháng Giêng Âm Lịch ở quận Liên Chiểu. Lễ hội đua thuyền mang ý nghĩa cầu mong mưa thuận gió hòa, sự bình yên và gặp nhiều may mắn trong lúc ra khơi cũng như tăng cường sức khỏe dẻo dai cho ngư dân.
Lễ hội đua thuyền được xem là nét đẹp độc đáo, đặc trưng riêng có của người dân sông nước và là một bản sắc văn hóa dân tộc cần được giữ gìn và phát huy trong tương lai.
Những lễ hội trong bài viết “Tổng hợp 9 lễ hội truyền thống nổi tiếng ở Đà Nẵng” đã góp phần tạo nên bản sắc văn hóa độc đáo cho Đà Nẵng nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung. Đà Nẵng - một trong những thành phố “hội tụ” nhiều văn hóa nghệ thuật đặc sắc đang chờ du khách khám phá.
Hy vọng bài viết này sẽ cung cấp cho bạn những kiến thức về lễ hội - nét văn hóa không thể tách rời của Đà Nẵng. Bên cạnh việc tham gia các lễ hội bạn cũng có thể tham khảo thêm bài viết Top 5 Địa Điểm Du Lịch Đà Nẵng Không Thể Bỏ Qua để có những điểm đến cho chuyến đi của mình, hay thưởng thức 7 Món Ngon Đà Nẵng Nhất Định Phải Mua Về Làm Quà hoặc Những Khách Sạn Tốt Gần Sân Bay Quốc Tế Đà Nẵng để nghỉ ngơi nhé!!!