Du lịch cộng đồng là một khái niệm còn khá xa lạ ở Việt Nam. Như chúng ta điều biết, điều tuyệt vời nhất mà du lịch mang lại đó chính là sự thỏa mãn được nhu cầu ưa “xê dịch”, thích khám phá, thám hiểm những vùng đất mới. Trên thực tế thì du lịch mang lại cho chúng ta nhiều thứ hơn thế, ngoài việc đem đến cho du khách trải nghiệm thực tế về thiên nhiên và cuộc sống của người dân ở nhiều địa phương khác nhau, du lịch còn mang lại rất nhiều lợi ích cho cộng đồng địa phương. Có thể chúng ta đã nghe nói nhiều về phát triển du lịch bền vững, du lịch có trách nhiệm thế nhưng du lịch cộng đồng (hay du lịch dựa vào cộng đồng – Community based tourism) là một khái niệm khá mới mẻ đối với nhiều người. Bài viết dưới đây sẽ giúp chúng ta tìm hiểu rõ hơn về du lịch cộng đồng, đặc điểm, lợi ích của nó đối với sự phát triển của cộng đồng địa phương và các điều kiện để phát triển du lịch cộng đồng.
Du lịch cộng đồng là gì? Ví dụ về du lịch cộng đồng
Du lịch cộng đồng (Community Based Tourism) hay còn gọi là du lịch dựa vào cộng đồng là một trong những giải pháp tốt nhất của phát triển du lịch bền vững. Thuật ngữ “du lịch cộng đồng” được biết đến có nguồn gốc từ hình thức du lịch làng bản những năm 70 của thế kỉ hai mươi. Trên thế giới, du lịch cộng đồng là một hình thức du lịch xuất hiện từ khá sớm và phát triển tại các quốc giá Mỹ La Tinh, Châu Úc, Châu Phi, … vào những năm 80 và 90. Từ đó, nó trở thành một khái niệm phổ biến rộng rãi trên toàn thế giới nhờ những lợi ích tuyệt vời mà nó mang lại.
Có rất nhiều những định nghĩa khác nhau về du lịch cộng đồng trên thế giới tùy theo góc nhìn và quan điểm của mỗi người. Tại Việt Nam cũng có rất nhiều quan điểm về khái niệm du lịch mới mẻ này. Một số khái niệm về du lịch cộng đồng được đưa ra và phổ biến như khái niệm của nhà nghiên cứu Nicole Hausle và Wolfgang Strasdas (2009): du lịch cộng đồng hay du lịch dựa vào cộng đồng là một loại hình du lịch mà sự phát triển và quản lí của nó dựa vào những nguồn lực địa phương và lợi ích kinh tế thu được từ hoạt động du lịch sẽ thuộc về nền kinh tế địa phương. Còn theo Responsible Ecological Social Tours Project (REST) thì du lịch cộng đồng là một hình thức du lịch được tạo ra nhờ cộng đồng, thuộc quyền sở hữu và quản lí của cộng đồng, giúp du khách có được sự hiểu biết về cộng đồng địa phương, nâng cao nhận thức về môi trường tự nhiên và văn hóa xã hội. Đây là một hình thức du lịch có tính bền vững về môi trường và văn hóa xã hội. Còn tại Việt Nam, theo tiến sĩ Võ Quế, du lịch cộng đồng là một phương thức du lịch mà cộng đồng dân cự tại địa phương sẽ chịu trách nhiệm tổ chức và cung cấp các dịch vụ du lịch. Và chính dân cư địa phương sẽ là người tham gia vào việc gìn giữ va bảo tồn môi trường và tài nguyên thiên nhiên. Họ cũng sẽ là người được hưởng các lợi ích được tạo ra nhờ việc phát triển dịch vụ du lịch và bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường.
Nói tóm lại, du lịch cộng đồng là một hoạt động du lịch bền vững đưa du khách đến gần hơn và kết nối với cộng đồng tại địa phương mà họ ghé thăm. Tại đây, du lịch cộng đồng tạo cơ hội để du khách trải nghiệm cuộc sống thực tế của dân cư địa phương, có những hiểu biết về phong tục tập quán, lối sống, tín ngưỡng, được hòa mình vào một nền văn hóa mới lạ. Cộng đồng dân cư địa phương sẽ trực tiếp tham gia vào khai thác, cung cấp dịch vụ, quản lí và bảo tồn mô hình du lịch và thu được lợi ích từ các hoạt động du lịch.
Một số địa điểm du lịch cộng đồng nổi tiếng tại Việt Nam như Làng Rau Trà Quế (Hội An), Mai Châu (Hòa Bình), làng du lịch Quỳnh Sơn (Lạng Sơn), … Trên thế giới thì có những địa điểm du lịch cộng đồng nổi tiếng như làng bản địa Rastafari (Jamaica), sa mạc Atacama (Chi Lê),
Đặc điểm và vai trò của du lịch cộng đồng?
Đặc điểm của du lịch cộng đồng
Du lịch cộng đồng là một loại hình du lịch khá mới mẻ với nhiều điểm đặc trưng. Qua khái niềm về du lịch cộng đồng chúng ta có thể thấy được một số đặc điểm cơ bản của loại hình du lịch này bao gồm:
- Du lịch cộng đồng là phương thức du lịch có sự tham gia đóng góp chủ yếu của người dân địa phương. Họ chịu trách nhiệm tổ chức, cung cấp dịch vụ, quản lí và bảo tồn những nguồn lực du lịch tại địa phương.
- Cộng đồng địa phương và các bên liên quan sẽ được hưởng lợi nhuận thu được từ các hoạt động du lịch cộng đồng.
- Các hoạt động du lịch cộng đồng tạo việc làm và góp phần cải thiện đời sống cho dân cư địa phương
- Những điểm đến của du lịch cộng đồng phải là những nơi có những nguồn lực du lịch đặc trưng, hấp dẫn và còn nguyên vẹn giá trị
- Dịch vụ cung cấp cho du khách phải đảm bảo tính đặc trưng của địa phương và ít mang tính chuyên môn hóa
- Ngoài việc phát triển du lịch thì cộng đồng dân cư địa phương còn phải có trách nhiệm giữ gì và bảo tồn các giá trị văn hóa xã hội và tài nguyên môi trường
- Việc phát triển du lịch cộng đồng góp phần làm đa dạng hóa các ngành kinh tế tại địa phương nhưng cũng đồng thời phải duy trì và phát triển các ngành nghề truyền thống.
Vai trò của du lịch cộng đồng
Việc phát triển du lịch cộng đồng đem lại vô vàn lợi ích cho cộng đồng địa phương. Nó không chỉ đem lại những lợi ích rõ rệt về kinh tế mà còn góp phần bảo tồn và phát triển văn hóa xã hội, môi trường và tài nguyên thiên nhiên tại địa phương. Cụ thể trên các lĩnh vực:
- Kinh tế: Không ai có thể phủ nhận những tác động tích cực của du lịch cộng đồng đến sự phát triển của nền kinh tế địa phương. Du lịch cộng đồng tạo việc làm cho dân cư đại phương nhờ đa dạng hóa các ngành nghề, tạo ra doanh thu nhờ du lịch thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa mạnh hơn. Giúp giảm thiểu rủi ro về kinh tế do biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến nền nông nghiệp.
- Văn hóa: Du lịch cộng đồng mang lại rất nhiều lợi ích cho văn hóa. Nó không chỉ quảng bá nét đẹp về văn hóa, phong tục tập quán và tín ngưỡng đặc sắc của địa phương mà còn góp phần “níu chân” thế hệ trẻ ở lại quê hương, cùng đóng góp vào việc bảo tồn và gìn giữ những nét đặc trưng về văn hóa của địa phương. Giá trị về văn hóa mà du lịch công đồng mang lại là vô cùng to lớn.
- Xã hội: Du lịch cộng đồng kéo gần khoảng cách giữa người dân ở các địa phương, vùng miền khác nhau, làm tốt đẹp hơn các mối quan hệ xã hội. Thêm vào đó, du lịch cộng đồng giúp nâng cao nhận thức về môi trường tự nhiên và sự bình đẳng của một cộng đồng. Du lịch cộng đồng còn đưa hình ảnh đẹp của một địa phương, một đất nước đến với bạn bè quốc tế. Hơn thế nữa, du lịch cộng đồng phát triển giúp dân cư địa phương được đào tạo về cơ sở hạ tầng, cách làm du lịch và đem lại các lợi ích nhất định cho sức khỏe cộng đồng.
- Môi trường: Du lịch cộng đồng giúp con người nâng cao ý thức bảo tồn thiên nhiên và bảo vệ môi trường sống vì lợi ích của cả cộng đồng trong hiện tại và trong tương lai.
- Những giá trị khác: giúp con người hiểu nhau hơn, tăng cường tình đoàn kết, sẻ chia lợi ích và các giá trị giữa người với người, tuyên truyền về sự bình đẳng trong xã hội, góp phần gìn giữ nhưng giá trị tốt đẹp và loại trừ những thói xấu trong đời sống người dân tạo nên một cộng đồng làm dịch vụ văn minh, phát triển bền vững.
Các điều kiện cần và đủ để phát triển du lịch cộng đồng
Du lịch cộng đồng là một loại hình du lịch khá mới mẻ tại Việt Nam. Để có thể phát triển du lịch cộng đồng một cách bền vững tại các địa phương cần phải đáp ứng các điều kiện dưới đây.
Các điều kiện để phát triển du lịch cộng đồng bao gồm:
- Địa phương cần phải có tiềm năng về du lịch cộng đồng thể hiện qua những cảnh quan đẹp của thiên nhiên, nét độc đáo về văn hóa xã hội đặc trưng cho từng vùng miền, địa phương
- Quan hệ sở hữu của cộng đồng về tài nguyên du lịch cần phải được thừa nhận, ủng hộ
- Người dân địa phương cần được đào tạo chuyên môn về phát triển du lịch và các kiến thức về bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên
- Phải có sự thống nhất và đồng thuận giữa cộng đồng địa phương với nhau và với các bên liên quan
- Tôn trọng ý kiến của các bên tham gia và của cả cộng đồng địa phương, tiếp thu những ý kiến đóng góp và truyền tải những đóng góp có tính xây dựng đến các đơn vị có trách nhiệm xem xét và giải quyết
- Khuyến khích sự tham gia của cộng đồng vào phát triển du lịch và bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên
- Chia sẻ lợi ích từ các hoạt động du lịch đồng đều giữa các thành viên trong cộng đồng
- Cộng đồng địa phương có ý thức và có những hành động thực tế để bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên như giảm thiểu chất thải ra môi trường, hạn chế khai thác quá mức các nguồn tài nguyên sẵn có, …
Tổng quan sự phát triển du lịch cộng đồng trên thế giới và tại Việt Nam
Du lịch đã trở thành một lĩnh vực vô cùng tiềm năng tại Việt Nam nói riêng và trên toàn thế giới nói chung. Du lịch đã mang đến rất nhiều lợi ích và đóng một vai trò quan trọng đối với kinh tế, văn hóa và xã hội của mỗi quốc gia. Tại Mỹ và các quốc gia Châu Âu, có nhiều nghiên cứu chứng minh rằng du khách sẵn sàng trả một mức phí cao hơn để được hưởng các dịch vụ có tính chất bảo vệ môi trường. Tại Việt Nam, theo một nghiên cứu gần đây, du khách quốc tế sẵn sàng chi trả một mức phí cao gấp 4 đến 5 lần cho các dịch vụ vì cộng đồng ở Sa Pa.
Nhìn nhận được tốc độ phát triển và tiềm năng của du lịch cộng đồng, mô hình du lịch này đã được nghiên cứu và đưa vào thử nghiệm tại Việt Nam từ những năm 2000. Hiện nay, chúng đã và đang nỗ lực xây dựng các mô hình du lịch cộng đồng tại các địa phương có tiềm năng. Du lịch cộng đồng Việt Nam đã có những dấu hiệu đáng mừng trong những năm gần đây gắn liền với những các tên như Du lịch cộng đồng tại Vườn Quốc gia Ba Bể, khu du lịch Vân Long, Suối Voi,… . Với những phản hồi tốt cũng như những góp ý về các thiếu sót đều được ghi nhận và sẽ được cải thiện trong tương lai.
Do xu hướng quan tâm tới các vấn đề về môi trường và lợi ích của cộng đồng, du lịch cộng đồng hứa hẹn sẽ là một loại hình du lịch có những thành công khởi sắc trong những năm tới. Bài viết trên đây đã phần nào giúp chúng ta có thêm nhiều hiểu biết về khái niệm, đặc điểm, vai trò và các điều kiện để phát triển du lịch cộng đồng, đưa đến cho bạn đọc một cái nhìn sâu sắc hơn về du lịch cộng đồng và những lợi ích mà chúng mang lại.