“Bún cua thối” – món ăn mà khi nhắc đến tên chắc chắn rất nhiều người sẽ e ngại, không dám thử vì chỉ cần nghe cái tên thôi là đã thấy “khó nuốt trôi” rồi. Thế nhưng, với những người dân ở phố núi Pleiku (Gia Lai) đây lại là món ăn quen thuộc và cũng là món đặc sản du khách đến đây nhất định phải ăn thử một lần đấy nhé.
Hôm nay, hãy cùng Thiên Nhân Travel khám phá xem món bún cua thối này có gì mà lại hấp dẫn mọi người như vậy nhé!
Tên gọi “bún cua thối” là từ đâu?
Sở dĩ có tên gọi “bún cua thối” là bởi vì nước dùng của món bún cua này được chế biến bằng cách cua lọc xong đem ủ một ngày đêm. Vì thế, nước dùng có mùi rất nặng và đặc trưng, nhiều người nếu không quen có thể sẽ không chịu nổi mùi này. Mùi của nước dùng cua nặng đến mức dù ở cách vài nhà thì bạn cũng sẽ dễ dàng ngửi thấy mùi của nó.
Các bước “cho ra đời” món bún cua thối như thế nào?
Những con cua đồng sau khi được sơ chế sẽ không giã nấu tươi như bình thường mà sau khi giã xong người ta sẽ lọc lấy nước và đem ủ một ngày để hỗn hợp nước cua lên men và có mùi mới đem ra nấu. Màu sắc đặc trưng của nước dùng là màu đen.
Ngoài cua đồng là nguyên liệu chính thì còn có: bún, thịt ba chỉ, măng, da heo được chiên giòn (có nơi là bánh phồng tôm), ớt, chanh, mắm nêm, rau sống ăn kèm (rau ngổ, rau kinh giới…)
Cua sau khi làm xong, người ta sẽ tiếp tục phi hành tỏi cho thơm, sau đó cho thịt ba chỉ vào xào đến khi săn lại, thêm gia vị vừa miệng rồi đổ nước cua vào. Khi nước sôi lên thì đổ măng đã được thái mỏng vào nồi và đun tiếp. Đun càng lâu thì nước dùng sẽ càng ngon bởi mắm cua sẽ thấm và đậm vị hơn.
Thưởng thức bún cua – đặc sản phố núi sao cho đúng điệu?
Một tô bún cua thối sẽ bao gồm: một nắm bún nhỏ, một ít măng và chan thêm ít nước dùng cua, sau đó thêm tóp mỡ, hành phi và da heo khô. Ăn kèm với bún sẽ là rau sống và trứng vịt om trong nồi nước dùng (nếu bạn muốn ăn). Để thưởng thức món bún cua thối bạn sẽ nêm thêm ớt, vắt chanh và trộn với rau sống, có thể chan thêm mắm nêm nếu thấy nhạt. Bên cạnh đó, các chủ quán cũng sẽ dọn thêm các loại chả, nem chua để thực khách có thể ăn thêm.
Nếu như món phở khô Gia Lai được rất nhiều người gợi ý và ăn thử khi đến Gia Lai thì bún cua thối chỉ dành cho những người có độ liều và dám thử thách bản thân.
Dù vậy, những ai ăn được món này thì chắc chắn sẽ “ghiền” bởi cái vị cay cay của ớt, vị thơm của rau sống, vị giòn giòn của da heo hòa quyện với mùi rất riêng, rất đặc trưng của nước dùng cua. Và cũng chính thứ mùi rất nồng, rất riêng của nước dùng đã khiến bao người mê mẩn, nhất là những người con Gia Lai khi xa quê chỉ nhớ về hơi sương lạnh lạnh và món bún cua “ngất ngây” nơi phố núi.
Quán Chi – Địa chỉ bán bún cua thối ngon ở Gia Lai
Thật dễ dàng để tìm ra một quán bún cua khi đến Pleiku, nhưng để ăn ngon và thưởng thức trọn vẹn vị đặc trưng của món bún cua thối này thì phải đến quán Chi nằm trên đường Phùng Hưng (Pleiku, Gia Lai). Dù chỉ là một quán nhỏ nằm giữa những quán xá trong chợ nhưng nhờ mùi vị đặc trưng nên thực khách rất dễ nhận ra. Hơn nữa, quán bún cua Chi cũng đã có đến 20 năm hoạt động, phục vụ rất nhiều thực khách và du khách khi đến đây, bởi vậy mà quán lúc nào cũng nườm nượp người.
Mỗi ngày, quán phải ủ đến 20kg cua thì mới đủ phục vụ cho khách. Mỗi tô bún cua chỉ có giá 10.000 đồng, và quán mở cửa từ 11 giờ đến 7 giờ tối hàng ngày. Có người khi đến ăn bún cua phải ăn 2 tô liền mới đã miệng.
Đây thực sự là món ăn thách thức mọi người đúng không nào? Nhưng nếu như có dịp đến Gia Lai, ngoài việc đi khám phá các điểm du lịch đẹp, thưởng thức những món đặc sản thì bạn cũng hãy thử “thách thức” bản thân một lần với món bún cua thối này nhé. Và đừng quên review cho 123tadi về cảm nhận của bạn sau khi thưởng thức nhé!