Cơm lam gà nướng
Gà nướng ăn với cơm lam là một trong những đặc sản núi rừng nổi tiếng của ẩm thực Gia Lai. Gà được sử dụng làm món gà nướng thường là những con gà tơ được nuôi thả, thịt săn chắc. Gà được ướp kỹ với tỏi, hành tím, sả, ngũ, vị hương, tiêu, nước mắm, muối, mật ong. Và đặc biệt không thể thiếu các loại lá rừng. Gà được kẹp vào thân tre rồi cắm trực tiếp xuống than hồng. Khi nướng phải trở tay liên tục cho đến khi gà có màu vàng cánh gián.
Cơm lam gà nướng thơm lừng.
Gạo nếp được sử dụng nấu cơm lam là loại nếp nương hạt nhỏ, thon dài. Ống nứa hoặc ống tre non để lam cơm phải tươi, lớp vỏ ngoài màu xanh đậm, thân nhỏ và dài. Gạo nếp được ngâm nước từ 4-6 tiếng, để ráo nước rồi mới cho vào ống tre, nứa. Ống tre được bịt kín một đầu bằng lá chuối. Ống cơm nếp sẽ được nướng cùng lúc với gà trên than hồng.
Gà kẹp vào thân tre rồi nướng bằng than.
Lá mì xào cà đắng
Lá mì xào cà đắng là món ăn đặc sản của bà con đồng bào J’rai. Cuộc sống của người dân nơi đây gắn liền với cây mì (sắn). Vì thế, họ đã chế biến ra nhiều món ăn từ lá mì. Trong đó phổ biến là lá mì xào cà đắng. Nguyên liệu chính của món ăn độc đáo này là lá mì, cà đắng, ớt. Tùy theo khẩu vị mà có thể thêm bông đu đủ đực, cá khô, thịt heo. Lá mì rửa sạch, cà đắng và ớt để ráo nước. Lá mì được vò nát bằng tay hoặc giã bằng cối. Sau đó bóp nhẹ để lọc bớt nước. Xào cà đắng trước. Khoảng 2 phút sau mới bỏ lá mì cùng các nguyên liệu khác vào sau.
Lá mì xào cà đắng
Phở hai tô
Phở hai tô là món ăn độc đáo không thể bỏ qua của ẩm thực Gia Lai. Nguồn gốc món phở khô xuất phát từ nghề làm bánh phở khô truyền thống ở Gia Lai. Từ sợi bánh phở khô, người ta đã sáng tạo ra món phở khô hay còn gọi phở hai tô. Sợi phở mảnh, dẹt, cứng nhưng khi chần qua nước nóng lại trở nên mềm, dai.
Phở hai tô
Trong tô phở có tóp mỡ, hành phi, hành lá, thịt heo băm xào chín (với phở khô bò) hoặc thịt gà xé (với phở khô gà). Ngoài các loại rau thơm ăn kèm như giá đỗ, húng quế, xà lách, rau mùi, phở khô không thể thiếu tương đen Gia Lai. Khi gọi một phần phở, thực khách sẽ được phục vụ cùng lúc hai tô. Một đựng bánh phở, một đựng nước dùng.
Sầu riêng nấu canh sườn non
Sầu riêng được trồng nhiều ở Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng do đất đai, khí hậu phù hợp. Không chỉ ăn quả chín, người Gia Lai còn chế biến nhiều món ngon khác từ sầu riêng. Sầu riêng già hái về gọt hết gai nhọn, tách múi, bỏ vỏ và hạt, chỉ lấy phần cơm. Sườn non chặt nhỏ, rửa sạch và thêm nước để hầm. Sau 30 phút hầm sườn non thì cho sầu riêng và nêm mắm muối để 5 phút là sườn mềm. Khi sầu riêng nở, rắc thêm hành lá, rau mùi. Đây là món ăn hấp dẫn thể hiện sự sáng tạo dựa trên những sản vật địa phương.
Sầu riêng nấu canh sườn
Bánh xèo tép Biển Hồ
Biển Hồ T’nưng là điểm du lịch nổi tiếng Gia Lai gắn liền với câu hát “đôi mắt Pleiku Biển Hồ đầy”. Cuộc sống ngư dân quanh vùng dựa vào nguồn thủy sản phong phú như cá, tôm, tép… Món bánh xèo tép Biển Hồ cũng từ đó mà ra. Tép Biển Hồ ngon, chắc thịt, thân tép căng mình tươi rói. Đặc biệt khi những cơn mưa hè đổ xuống, cũng là lúc tép ngon nhất. Bánh xèo ăn cùng diếp cá, xà lách, dưa leo, cải xanh, tía tô… dân dã mà vô cùng thơm ngon.
Bánh xèo tép.
Bún mắm cua
Nhắc đến ẩm thực Gia Lai thì không thể không nhắc đến bún cua thối. Để làm món này, người địa phương thường sử dụng cua được bắt ở đồng Phú Thọ, xã An Phú, Pleiku. Cua đồng tươi bỏ mai, lấy phần thân đem giã hoặc xay nhuyễn rồi lọc lấy nước. Nước cua tươi được ủ lên men khoảng một ngày đêm cho đến khi chuyển màu đen và bốc mùi nồng.
Bún mắm cua có mùi nồng đặc trưng.
Phần nước cua đã lên men tiếp tục được đun sôi liu riu rồi cho thêm măng tươi thái mỏng. Đun càng lâu, măng càng tiết ra vị ngọt. Một phần ăn có bún, măng, vài miếng da heo chiên giòn với hành phi, đậu phộng kèm theo phần nước dùng đen ngòm, đặc sánh. Khi thưởng thức quen rồi, thực khách sẽ cảm nhận được vị ngon, thơm đặc trưng. Bún cua thối ăn kèm với rau sống, bánh phồng tôm, nem chua, chả…
Bò một nắng muối kiến vàng
Bò một nắng muối kiến vàng là món đặc sản mang đậm hương vị núi rừng Tây Nguyên. Thịt bò tươi ngon từ những con bò chăn thả tự nhiên, ướp sả, ớt, tỏi, và muối. Sau đó phơi qua một nắng để giữ được độ mềm và vị ngọt tự nhiên. Khi thưởng thức, bò được nướng chín trên bếp than hồng, tỏa mùi thơm hấp dẫn. Đặc biệt, món ăn này không thể thiếu muối kiến vàng. Đây là một loại muối độc đáo được làm từ kiến vàng sống trên cây rừng, kết hợp cùng ớt, lá é, và muối hạt, tạo nên hương vị chua cay đặc trưng.
Bò một nắng muối kiến vàng
Lẩu lá rừng
Lẩu lá rau rừng là một trong những món ăn đặc sản của vùng đất Gia Lai. Xung quanh là rừng núi nên Gia Lai có rất nhiều loại lá rừng. Lá rừng phải được hái và chọn lựa kĩ lưỡng, tươi ngon không có độc tố. Không phải ai cũng có thể có kinh nghiệm lấy lá rừng mà đó là cả một nghệ thuật của người xưa để lại. Nồi nước lẩu béo ngọt của thịt hầm, ăn rau rừng kết hợp nem chua rán, thịt nướng… thật kích thích.
Lẩu lá rừng
Măng chua rừng
Ở Gia Lai nổi tiếng với món măng rừng. Mùa mưa măng rừng xuất hiện khá nhiều nên được người dân hái về rửa sạch, thái mỏng được đem ngâm cùng với ớt cay, tỏi, gừng, muối, 1 chút đường. Đợi đến khi măng chua có độ ngon vừa ăn thì đem ra sử dụng. Khi ăn măng đã ngấm gia vị, chua chua của măng, giòn, vị the the cay của ớt.
Măng rừng
Rượu cần
Rượu cần là một đặc sản không chỉ của Gia Lai mà còn của Tây Nguyên. Rượu trở thành một thức uống nổi tiếng khi nhắc đến vùng đất này. Rượu sẽ được ủ, nấu bằng gạo nếp trên nương to, tròn, mọng hạt và rất thơm. Rượu có mùi thơm, mới ngửi qua đã thấy say. Rượu cần được để trong các vò sành, sứ. Khi uống không rót ra chén như các loại rượu khác mà uống bằng ống mây. Một vò rượu được bê ra sẽ có rất nhiều cần để trong đó, nhiều người sẽ uống chung một vò.
Rượu cần