Đặc sắc ẩm thực ngày Tết ở ba miền
Đặc sắc ẩm thực ngày Tết ở ba miền
 25 Tháng 12 2024 27 Đăng bởi 123Tadi

Đặc sắc ẩm thực ngày Tết ở ba miền

Tết cổ truyền là dịp lễ thiêng liêng, ý nghĩa của dân tộc. Thời gian này mọi nhà sum vầy bên nhau, nhìn lại năm cũ và hân hoan đón mừng năm mới. Điều không thể bỏ qua khi nhắc đến Tết cổ truyền là mâm cơm ngày Tết với những món ăn truyền thống, đậm đà văn hóa Việt Nam. Ẩm thực ngày Tết ở ba miền Bắc – Trung – Nam cũng có những khác biệt thú vị.

Miền Bắc

Mâm cơm đã đi vào tiềm thức nhiều người con miền Bắc hẳn không thể thiếu bánh chưng, dưa hành, thịt đông, gà luộc, canh măng, nem rán, các loại giò chả… Trong đó, bánh chưng là món không thể thiếu. Bánh chưng tượng trưng cho đất, được gói với gạo nếp, thịt heo và đậu xanh. Các gia đình thường quây quần bên nhau gói bánh, không khí ấm cúng và sum vầy.

Mâm cơm Tết cổ truyền của các gia đình miền Bắc

Mâm cơm Tết cổ truyền của các gia đình miền Bắc

Thời tiết miền Bắc lạnh đặc trưng nên thịt đông là món ăn được ưa chuộng trong ngày Tết. Thịt được làm từ chân giò heo kèm mộc nhĩ, bì heo. 

Thịt đông ngày Tết

Thịt đông ngày Tết

Ngoài ra, ẩm thực ngày Tết của các gia đình miền Bắc cũng không thể thiếu món giò lụa. Giò được làm từ thịt heo xay nhuyễn, được gói chặt trong lá chuối tươi. Những miếng giò được luộc chín thơm mùi lá chuối, ngọt vị thịt, đậm đà hương vị ngày Tết.

Giò lụa

Giò lụa

Miền Trung

Những ngày Tết của quê hương miền Trung không thể thiếu bánh tét, chả bò, dưa món, thịt muối mắm, bánh tổ, nem chua… Người miền Trung chuộng bánh tét trong ngày Tết vì bánh dài, có thể “tét” ra ăn được lâu. Bánh tét có thành phần giống bánh chưng, chỉ khác là được gói thành cuộn dài. Những ngày Tết, khi có khách đến chơi, người miền Trung thường hiếu khách “tét” nhanh vài đòn bánh đãi khách. Món ăn này nhanh, tiện nên gia đình nào cũng chuẩn bị hàng chục đòn bánh ăn Tết.

Bánh tét ăn kèm dưa món, củ kiệu

Bánh tét ăn kèm dưa món, củ kiệu

Thịt muối mắm cũng là món ăn truyền thống của miền Trung. Tháng Chạp đến, các bà các mẹ sẽ ngâm mắm từng hũ thịt to. Thịt ngấm gia vị rất ngon, các mẹ sẽ cắt mỏng thịt để ăn kèm cùng dưa món, rau sống. 

Thịt muối mắm

Thịt muối mắm

Bánh tét hay thịt muối mắm sẽ trọn vẹn nếu ăn kèm dưa món, củ kiệu mằn mặn. Củ kiệu, dưa món là món ăn chứa đựng hồn Tết miền Trung. Những người nội trợ sẽ làm sạch củ kiệu, cà rốt, đu đủ rồi đem đi ngâm trong hỗn hợp muối, đường, mắm. Thành phẩm sẽ có vị mặn, giòn sần sật thơm ngon. Đây là món ăn chống ngấy hoàn hảo khi ngày Tết đã có quá nhiều món nhiều đạm.

Người miền Bắc có món giò lụa thì người miền Trung có chả bò. Chả bò truyền thống được làm từ thịt bò xay, có vị thơm nồng với tiêu đen, là món ăn tuyệt vời trong ngày Tết.

Chả bò hồng hào, thơm lừng

Chả bò hồng hào, thơm lừng

Miền Nam 

Ẩm thực ngày Tết miền Nam là mâm cơm tròn đầy với bánh tét, canh khổ qua nhồi thịt, thịt kho hột vịt, củ kiệu tôm khô… Người miền Nam ít cầu kì nhưng mâm cơm ngày Tết vẫn đầy đủ, trọn vị với những món ăn truyền thống, dân dã.

Mâm cơm ngày Tết của bà con miền Nam

Mâm cơm ngày Tết của bà con miền Nam

Người miền Nam ăn canh khổ qua trong ngày Tết với ước vọng năm mới hanh thông, mọi khó khăn đi qua, mưa thuận gió hòa. Khổ qua được làm sạch ruột. Sau đó nhồi thịt heo xay cùng mộc nhĩ băm nhuyễn vào và nấu thật mềm. Món ăn có vị đắng nhẹ, kèm theo đó là vị ngon ngọt của thịt và nước dùng.

Món ăn mang “thương hiệu” của Tết miền Nam nhất là món thịt kho tàu. Thịt và trứng vịt được kho thật mềm cùng nước dừa. Phải nấu sao cho nước thịt có màu nâu đậm sóng sánh, thịt và trứng thấm vị. Hột vịt trong món ăn này cũng được để nguyên, không cắt đôi, mang ý nghĩa mong cầu một năm mới trọn vẹn, đủ đầy.

Thịt kho tàu

Thịt kho tàu

Nếu người miền Trung ăn củ kiệu, dưa món thì người miền Nam cũng có món củ kiệu tôm khô. Món này ăn kèm cùng thịt kho tàu hoặc gà luộc để đỡ ngán.

Nếu có dịp hãy trải nghiệm mâm cơm ba miền để yêu hơn văn hóa truyền thống Việt Nam.

Chia sẻ:
Bài viết liên quan
© 2020 123tadi.comThiết kế và phát triển bới Sweetsoft JSC
server-notice