Du lịch Đồng Tháp khám phá những làng nghề hàng trăm tuổi

Du lịch Đồng Tháp khám phá những làng nghề hàng trăm tuổi

Du lịch Đồng Tháp khám phá những làng nghề hàng trăm tuổi
 29 Tháng 08 2024 297 Đăng bởi 123Tadi

Du lịch Đồng Tháp khám phá những làng nghề hàng trăm tuổi

Làng nghề đóng xuồng, ghe ở rạch Bà Đài, xã Long Hậu, huyện Lai Vung đã có hơn 100 năm. Những năm 1980, 1990, cả làng có hơn 200 hộ sống bằng nghề đóng ghe, xuồng. Nhưng ngày nay, nghề đóng ghe đã dần mai một. Nhiều hộ dân chuyển qua nghề đóng ghe, xuồng thu nhỏ. Thành phẩm mang bán cho các nhà hàng, khách sạn, các điểm du lịch Đồng Tháp.

Làng nghề đóng ghe xuồng

Làng nghề làm nem Lai Vung

“Lai Vung là xứ lạ lùng

Nem chua mà ngọt, thơm lừng mà say…”

Nghề làm nem ra đời ở Lai Vung vào khoảng những năm 1960. Người đầu tiên nghĩ và làm ra món này là bà Nguyễn Thị Mặn (Tư Mặn). Nem chủ yếu được bà Tư làm để cúng trong các dịp lễ giỗ, Tết. Bà con trong vùng ăn thử thấy ngon nên nhiều người tìm đến bà học nghề. Họ mang ra chợ Lai Vung để bán, do đó nem được gọi theo tên chợ thời đó. Dần dần nem theo chân những tiểu thương vào các bến xe, bến phà và khắp các tỉnh miền Tây. Dần dà hình thành cả làng nghề chuyên làm nem trên địa bàn huyện Lai Vung.

Công đoạn gói nem

Làng nghề dệt chiếu Định Yên, Lấp Vò

Làng nghề dệt chiếu Định Yên được hình thành cách đây hàng trăm năm. Nằm cạnh sông Hậu, vùng đất này là nơi sinh trưởng tốt của cây bố và lác, nguyên liệu làm chiếu. Cư dân làng chiếu có gốc gác từ vùng đồng bằng Bắc Bộ. Khi vào phương Nam đã mang theo nghề dệt chiếu truyền thống. Nghề dệt chiếu đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo tay, cũng như bí quyết riêng để tạo ra những sản phẩm chiếu bền, đẹp. Việc đưa máy móc vào một số công đoạn trong sản xuất như hiện nay đã góp phần gia tăng năng suất làm chiếu. Du lịch Đồng Tháp đến đây du khách sẽ được chiêm ngưỡng vô vàn chiếc chiếu sặc sỡ đẹp mắt.

Nghề dệt chiếu truyền thống

Chiếu phơi khắp các mảnh sân

Làng nghề làm bột gạo Sa Đéc

Nghề làm bột gạo tại Sa Đéc có tuổi đời trên 100 năm. Dù trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm nhưng với các yếu tố tự nhiên thuận lợi, chất lượng bột gạo ở đây khó có nơi nào sánh kịp. Làng bột Sa Đéc là đầu mối cung ứng bột cho các tỉnh miền Tây, miền Đông Nam Bộ. Đặc biệt bột còn được xuất khẩu sang các nước Đông Nam Á và một số nước châu Âu. Bột Sa Đéc được sản xuất theo quy trình thủ công với nhiều công đoạn từ ngâm gạo, xay nhuyễn, ngâm ủ, tẻ nước… Bột gạo ở đây là nguyên liệu để chế biến thành nhiều loại bánh nổi tiếng. Và các loại hủ tiếu, bánh canh, nui, phở, bún…

Bột gạo được làm thành nhiều loại bánh

Làng nghề hoa kiểng Sa Đéc

Làng hoa kiểng Sa Đéc hình thành từ cuối thế kỷ 19. Ban đầu nghề trồng hoa chỉ tập trung ở phường Tân Quy Đông thì nay đã phát triển rộng với hơn 2.300 hộ trồng hoa. Làng hoa trồng khoảng 2.000 giống hoa kiểng các. Vì sự phong phú về chủng loại nên mùa nào cũng có cả trăm loài hoa đua nở. Sản phẩm hoa kiểng Sa Đéc không chỉ cung cấp khắp cả nước mà còn xuất khẩu sang Lào, Campuchia, Trung Quốc, các nước Ả Rập…

Làng nghề hoa kiểng

Làng nghề bánh phồng tôm Sa Đéc

Vùng đất Đồng Tháp được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho loại gạo ngon. Đây cũng là nơi nhiều loại tôm, cá nước ngọt sinh sống. Từ đó, người dân nơi đây đã tận dụng để chế biến ra loại bánh phồng tôm đặc biệt thơm ngon. Bánh phồng tôm Sa Đéc làm từ nguồn nguyên liệu phong phú: tôm tích, tép mòng, tép ròng…

Bánh phồng tôm Sa Đéc

Để làm ra bánh phồng tôm, đầu tiên người ta phải trộn bột gạo, thịt tôm xay nhuyễn và một ít hạt tiêu giã nhỏ. Các thành phần trộn đều với nhau rồi đem nhồi vào những chiếc túi dạng hình ống dài. Sau khi được hấp chín người ta cắt bánh ra thành từng lát tròn mỏng sau đó phơi khô. Bánh phồng tôm Sa Đéc ăn giòn, xốp, có vị ngọt, béo, cay của tiêu và vị thơm đặc trưng của tôm.

Làng nghề dệt khăn choàng Hồng Ngự

Khăn choàng (khăn rằn) cùng với chiếc áo bà ba đã trở thành hình ảnh gần biểu tượng cho người phụ nữ miền Tây. Làng nghề dệt choàng xã Long Khánh A (Hồng Ngự) ra đời từ những năm đầu thế kỷ XX. Qua hơn 100 năm, làng nghề vẫn duy trì và gìn giữ những nét truyền thống tốt đẹp. Hiện có gần 60 hộ làm nghề, 150 khung dệt. Hàng năm, làng nghề cung ứng cho thị trường hơn 5 triệu chiếc khăn choàng các loại. Hiện tại, nghề dệt choàng đã ứng dụng máy móc vào sản xuất hơn 80% các công đoạn. Tuy vậy, người ta vẫn duy trì một số khung dệt thủ công để phục vụ khách du lịch Đồng Tháp.

Nghề dệt khăn rằn

Làng nghề đan lát

Nghề đan đát được hình thành và phát triển ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Nhưng nhiều nhất là ở các huyện phía nam sông Tiền như Lai Vung, Lấp Vò… Những sản phẩm từ nghề đan lát phục vụ đời sống xã hội rất đa dạng, giá thành lại rẻ. Ngoài các nguyên liệu đan lát thường thấy, còn có nghề đan lát từ lục bình. Dọc theo các con sông lục bình rất nhiều, là nguyên liệu chính để làm các sản phẩm: giỏ, túi xách, rổ, thảm… Những sản phẩm còn kèm thêm các họa tiết khác như cườm, dây thừng… để trở nên sinh động hơn. Các sản phẩm này thường rất được ưa chuộng trên thị trường nước ngoài.‏

Nghề đan lát từ lục bình

Chia sẻ:
Bài viết liên quan
© 2020 123tadi.comThiết kế và phát triển bới Sweetsoft JSC
server-notice