Món ngon “đậm vị” núi rừng Đắk Nông
Món ngon “đậm vị” núi rừng Đắk Nông
 23 Tháng 12 2020 3365 Đăng bởi Tâm An

Món ngon “đậm vị” núi rừng Đắk Nông

Một mùa Noel nữa lại tràn về trên khắp mọi miền Tổ quốc. Nghe đâu đây sắc thắm an lành hoà cùng tiếng chuông reo ngân, mùi thơm nồng của những món ngon “đậm vị” núi rừng Tây Nguyên khiến bao trái tim lữ khách xuyến xao...

1, Gỏi núc nác cá khô

Trời chớm đông, đồng bào M’nông, Mạ, Ê - đê trên địa bàn tỉnh Đắk Nông lại hối hả vào rừng hái quả núc nác nấu thành nhiều món ăn ngon. Núc nác có thể chế biến bằng cách luộc, xào, nấu canh… Nhưng đồng bào ưa thích nhất có lẽ là món gỏi núc nác cá khô.

Núc nác là cây rừng thân gỗ, cao khoảng 10 m, cây lâu năm có thể cao hơn. Loại cây này vừa ăn được hoa, lá, vừa ăn được quả. Núc nác bắt đầu ra hoa vào mùa hạ. Quả kết thành từng chùm, hình nang mỏng, dài khoảng 50 – 60 cm, có hai mặt lồi, lưng có cạnh chạy dọc theo chiều dài quả. Nhìn bề ngoài, quả núc nác dài và dẹt như trái phượng vĩ. Hạt dẹt có cánh mỏng, trên hạt có khá nhiều đường gân nhỏ đi về nhiều hướng riêng biệt…

Quả núc nác dù để già đến chín vẫn ở trên cây khá lâu nhưng nếu muốn ăn ngon thì phải hái những quả không quá già, cũng không quá non, có màu xanh đậm. Loại quả rừng này có vị đăng đắng, hăng hăng và mùi thơm. Đồng bào làm món gỏi núc nác khá đơn giản. Sau khi hái núc nác về, đồng bào để quả lên bếp than, nướng qua cho lớp da ngoài phồng rộp lên, vỏ cháy sém đen đen.

Đặc biệt, trong quá trình nướng, quả núc nác tạo ra mùi thơm đặc trưng tựa như một loại rau thơm. Sau khi nướng chín, đồng bào dùng dao cạo sạch vỏ bị cháy rồi rửa sạch bằng nước ấm, để ráo. Khi chế biến thì cắt lát thật mỏng.

Để món ăn thêm ngon phải có thêm cá cơm khô, đây cũng là nguyên liệu chính trong nhiều món gỏi của đồng bào tại chỗ trên địa bàn tỉnh ta. Cá cơm khô được rang chín vàng, giòn rụm với củ nén hoặc tỏi, hành. Đồng bào hái các loại rau thơm ngoài vườn hoặc mọc hoang như tía tô, ngò gai hay lá é. Các loại rau thơm thái nhỏ cho vào tô gỏi đã có sẵn các nguyên liệu trên. Gia vị cho món gỏi cũng khá quan trọng, tạo nên hương vị đầy đủ của món ăn là đắng, cay, ngọt, mát, chua, thơm…

Gia vị gồm: Muối, bột ngọt, đường, nước cốt chanh, ớt... Tất cả nguyên liệu được trộn đều thành món gỏi núc nác thơm ngon. Ngày nay, nhiều gia đình khi chế biến món gỏi núc nác này có sự thay đổi đa dạng hơn. Trong món ăn truyền thống trước đây dùng cá cơm khô thì nay, đồng bào có thể thay bằng cá chỉ vàng, cá nướng, thịt ba chỉ, tai heo cùng với đậu phộng, vừng, gừng…

Món ăn đậm hương núi rừng này đã trở thành đặc sản trong ẩm thực đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Món nộm núc nác không chỉ là món ăn ngon mà còn là một vị thuốc quý giúp chống ho, thanh nhiệt...

2, Cá khô nấu rau đắng Ê đê

Ẩm thực người Ê đê trên địa bàn tỉnh Đắk Nông nổi tiếng với các món ăn có vị đắng nấu cùng cá cơm khô mang lại hương vị thơm ngon, đặc biệt. Ngoài nguyên liệu cà đắng hay khổ qua rừng, người Ê đê còn có hai loại lá có vị đắng rất độc đáo thường dùng nấu với cá cơm khô, lá mì và jdam ble (rau đắng).

Lá mì hay còn gọi là rau sắn có vị đắng được người Ê đê ưa thích. Lá mì dùng nấu phải là lá mì cuống đỏ, thường dùng chế biến thành món canh, lá mì xào hoa đu đủ đực, lá mì xào cá khô… Trong đó, lá mì xào cá khô chế biến giản đơn nhưng ăn rất ngon.

Trước tiên, lá mì cần thái nhỏ và được chần sơ qua nước sôi cho bớt vị đắng rồi để ráo nước. Những gia đình Ê đê thích ăn vị đắng mạnh sẽ không cần trụng qua lá mì với nước sôi mà giữ nguyên lá tươi để nấu. Lá mì tươi sẽ đem giã hơi nát cùng với sả. Món ăn nấu cũng tương đối nhanh trong vòng vài phút. Nồi bắc lên bếp để nóng, cho ít dầu vào nồi, thả vài củ nén đã bóc vỏ đập dập tao vàng, thêm lượng cá cơm khô vừa ăn vào rang. Khi cá chín, người Ê đê mới cho lá mì vào nồi xào cùng cá cơm, nêm muối ớt nữa là có được món ăn hấp dẫn. Món ăn tỏa mùi hương sả và mùi thơm cá cơm khô.

Một loại nguyên liệu nữa có vị đắng mà người Ê đê rất thích dùng nấu với cá cơm khô là jdam ble. Đó là tên gọi theo tiếng Ê đê của một loại lá rừng. Jdam ble mọc thành từng bụi, lá thon dài, mọc đối xứng với nhau, lá non có màu xanh vàng chanh. Người Ê đê thường bẻ các đọt lá non dùng nấu, lá có vị đắng. Rau jdam ble nấu với cá cơm khô cùng tương tự như lá mì. Tuy nhiên, việc chế biến rau jdam ble không cần phải thái nhỏ mà giữ nguyên lá để nấu. Jdam ble xào cùng cá cơm khô trong vòng khoảng 5 phút rồi nêm nếm gia vị. Thay vì dùng sả như trong món lá mì xào thì món này lại nêm nhiều ớt. Khi xào chín mùi thơm của ớt sộc ngay lên mũi. Rau jdam ble ăn rất thơm, hơi dai, vị đăng đắng ăn rất lạ miệng và ngon.

Với sở thích ăn đắng và cay, người Ê đê xem lá mì và jdam ble là hai nguyên liệu đặc sản. Thưởng thức các món ăn cùng cơm trắng nóng hổi mang lại hương vị vừa miệng lại không kém phần độc đáo. Vị đắng của các loại lá này khi ăn lần đầu cảm giác như rất khó nuốt. Nhưng chỉ cần nhai kĩ đến miếng thứ 2, thứ 3, người dùng mới cảm nhận được vị ngọt lạ trong cái đắng. Cứ thế, người ăn bị cuốn hút bởi một món ăn có nhiều vị mạnh, đối lập nhau nhưng lại rất kích thích cảm giác thèm ăn…

3, Canh thụt môn nước của người M’nông

Đồng bào M’nông gọi môn nước là “rtơh”. Môn nước hay còn gọi là môn ngứa, là một loài môn hoang dại. Từ kinh nghiệm và đôi qua bàn tay khéo léo của người M’nông đã biến loại cây dại này trở thành nguyên liệu cho những món ăn rất hấp dẫn. Trong đó, món canh thụt môn nước là món ăn độc đáo của người M’nông.

Môn nước mọc hoang ở nơi ẩm thấp như mương nước, vũng đầm, ven sông suối… Môn nước có nhiều loại và môn nước của người M’nông có sự khác biệt so với các vùng khác.

Cây mọc thành bụi, có bẹ và lá nhỏ hơn so với môn ngọt thông thường. Màu lá của môn nước xanh thẫm hơn. Hình lá có phần tựa lá dong, nhưng bầu hơn một chút. Môn nước còn gọi là môn ngứa vì toàn thân cây môn đều có một thứ nhựa rất ngứa khi đụng phải. Tuy nhiên, người M’nông tìm ra những bí quyết riêng trong kết hợp nguyên liệu để khắc chế chất gây ngứa của loài cây này, chế biến thành những món ăn độc lạ, thơm ngon.

Người M’nông chọn những bẹ môn non đem về nấu. Ngoài bẹ môn nước, cua đồng, món ăn còn có thêm đọt mây và ớt. Trước đây cũng như bây giờ, người M’nông nào cũng biết chế biến và coi đây là món khoái khẩu. Món canh môn nước tuy mộc mạc nhưng lại có cách chế biến khá kỳ công. Bẹ môn nước tước vỏ xơ bên ngoài, cắt thành đoạn nhỏ. Cua sơ chế, bỏ phần yếm và vỏ lưng cua để nguyên phần thân chứa thịt và chân cua để nấu.

Đọt mây lấy từ rừng về tách bỏ lớp vỏ gai bên ngoài, phần ruột thái mỏng thành từng lát. Món ăn được nấu trong ống lồ ô tương tự như món canh thụt truyền thống của người M’nông. Tất cả nguyên liệu bao gồm môn nước, cua đồng, đọt mây và ớt được cho vào ống lồ ô, thêm chút nước rồi đặt nghiêng góc khoảng 45 độ với bếp lửa để nấu.

Trong quá trình nấu, cần quay tròn ống lồ ô để các nguyên liệu chín đều và ống không bị cháy một bên. Khi tất cả các nguyên liệu chín mềm, người M’nông thêm gia vị muối, bột ngọt (bột nêm) và sử dụng một thanh tre để thụt. Thanh tre dài thụt liên tục vào ống lồ ô làm nhuyễn các nguyên liệu. Các nguyên liệu trở nên nhuyễn, hòa quyện vào nhau tạo nên trạng thái hơi sánh đặc cũng là lúc có thể đổ ra bát để thưởng thức.

4, Đọt mây nướng

Nói đến mây, người ta thường chỉ nghĩ đến việc dùng để đan lát. Nhưng không phải ai cũng biết đọt mây có thể chế biến thành món ăn rất đặc biệt. Với người dân Đắk Nông nói riêng và Tây Nguyên nói chung, đọt mây rừng được coi là một món ngon quý hiếm. Bởi lẽ để có được món ăn này, họ phải vào trong rừng sâu, đi cả ngày trời tìm kiếm những đọt mây tươi ngon nhất.

Mây là loại dây leo, thân mềm dài hàng chục mét, có vỏ gai dày đặc bao bọc. Muốn lấy được đọt mây phải chặt cây thành nhiều khúc ngắn để kéo tuột xuống dần. Khi gần đến đọt, có nhiều vòng gai ở ngọn móc vào các nhành cây xung quanh nên người đi lấy phải cẩn trọng, tránh bị gai đâm.

Đọt mây ngon đúng điệu được chọn từ những cây non tơ, bụ bẫm rồi tước bỏ phần vỏ gai cứng bên ngoài. Từ những lõi đọt mây trắng ngần có vị ngọt và đăng đắng, người ta biến tấu thành nhiều món ăn đơn giản nhưng không kém phần hấp dẫn. Trong đó có món đọt mây nấu ống, đọt mây nướng than hồng, nấu canh hay xào…

Đọt mây nướng dưới than củi hồng có hương vị rất thơm, bùi và không dai. Mặc dù món ăn có vị hơi đăng đắng nhưng lẫn trong đó, thực khách vẫn có thể cảm nhận được phảng phất độ ngọt, hương thơm cứ quyến luyến mãi đầu lưỡi.

Sau khi chín, người ta xé đọt mây ra từng sợi chấm với muối giã nhuyễn cùng ớt xiêm trái bé xíu. Vị đắng, ngọt, thơm của món ăn hòa quyện cùng vị mằn mặn của muối, vị cay nồng của ớt mang đến cho người ăn một cảm giác thú vị và lạ miệng.

Hương vị của đọt mây mang lại cho du khách những cảm nhận thật nhất về cuộc sống, về phong tục tập quán, về truyền thống văn hóa của đồng bào Tây Nguyên. Chỉ một bữa cơm quây quần bên nhau, thưởng thức vài miếng đọt mây ngọt bùi cũng đủ để nhớ mãi không quên.

Trên đây là một số gợi ý món ngon “đậm vị” núi rừng Tây Nguyên mà 123 ta đi muốn chia sẻ cùng các bạn. Hy vọng các bạn sẽ có dịp thưởng thức và cùng chia sẻ cảm nhận những món ngon mà các bạn trải nghiệm được trên hành trình du lịch khám phá của mình nhé! Chúc các bạn có một mùa Giáng sinh an lành và ngập tràn hạnh phúc!

CÔNG VIÊN ĐỊA CHẤT TOÀN CẦU ĐẮK NÔNG CÓ GÌ HOT

DU LỊCH ĐẮK LẮK CÓ GÌ HOT

Chia sẻ:
Bài viết liên quan
Độc đáo rượu cần Tây Nguyên
 28 Tháng 12 2020

Nếu có dịp đến với các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng… vào những dịp Tết đến Xuân về, chắc hẳn mọi...

Hồ Tà Đùng “đốn tim” du khách
 27 Tháng 12 2020

Được mệnh danh là “vịnh Hạ Long” giữa đại ngàn Tây Nguyên, Hồ Tà Đùng (Đắk Nông) “đốn tim” du khách trong nước và quốc...

Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông có gì HOT?
 24 Tháng 12 2020

Xuân Tân Sửu 2021 đã cận kề, 123 ta đi xin giới thiệu với các bạn một điểm đến hấp dẫn vừa mới “trình làng” tại xứ sở...

Về Đắk Nông say mê Thác Trinh Nữ
 23 Tháng 12 2020

Tuy không hùng vĩ như những con thác khác ở Tây Nguyên nhưng Thác Trinh Nữ vẫn có vẻ đẹp cuốn hút lạ kỳ với dòng nước...

Đắk Nông “trải thảm đỏ” nâng tầm Công viên địa chất toàn cầu
 22 Tháng 12 2020

Là nơi hội tụ các giá trị tiêu biểu về địa chất địa mạo, khảo cổ, văn hóa và đa dạng sinh học, Công viên địa chất toàn...

Thác D’ray Sap – điểm đến hấp dẫn Đắk Nông
 03 Tháng 01 2021

Được mệnh danh là Đà Lạt thứ hai của Tây Nguyên, vùng đất Đắk Nông sở hữu khí hậu ôn hoà mát mẻ quanh năm, với nhiều...

© 2020 123tadi.comThiết kế và phát triển bới Sweetsoft JSC
server-notice