Là nơi hội tụ các giá trị tiêu biểu về địa chất địa mạo, khảo cổ, văn hóa và đa dạng sinh học, Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông hứa hẹn là điểm đến hấp dẫn du khách thập phương, trong đó có khách quốc tế...
Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông có gì hấp dẫn?
Trải dài trên diện tích 4.760km2, bao gồm các huyện Krông Nô, Cư Jút, Đắk Mil, Đắk Song, Đắk G’long và thị xã Gia Nghĩa, Công viên địa chất Đắk Nông có khoảng 65 điểm di sản địa chất, địa mạo, bao gồm hệ thống gần 50 hang động với tổng chiều dài hơn 10.000 m, các miệng núi lửa, thác nước…
Nơi đây từ lâu đã nổi tiếng là một vùng đất đỏ trù phú với hệ sinh thái rừng nhiệt đới, nơi lưu giữ các giá trị đặc trưng về đa dạng sinh học. Vùng đất này cũng lưu giữ nhiều nét độc đáo về văn hóa, địa chất, tự nhiên cũng như dấu tích hoạt động của người tiền sử.
Là một phần của cao nguyên M’Nông nên thơ, hùng vĩ, Công viên Địa chất Đắk Nông là nơi hội tụ các giá trị tiêu biểu về địa chất địa mạo, khảo cổ, văn hóa và đa dạng sinh học đặc trưng của khu vực.
Điểm đặc biệt nhất trong khu vực Công viên Địa chất Đắk Nông là hệ thống hang động trong đá bazan, phân bố ở khu vực Đray Sáp-Chư R’Luh, được phát hiện từ năm 2007. Hệ thống hang động núi lửa này đã được Hiệp Hội Hang động Núi lửa Nhật Bản xác lập kỷ lục Đông Nam Á về cả quy mô, độ dài và tính độc đáo. Trong các hang động còn ẩn chứa nhiều điều bí mật về cơ chế thành tạo, các tổ hợp khoáng vật, đa dạng sinh học và di chỉ khảo cổ…
Trong khu vực Công viên Địa chất còn có các di sản địa kiểu cổ sinh như các hóa thạch Cúc đá, Sò, Hai mảnh vỏ.. để chứng minh thời kỳ này nơi đây còn là một phần của đại dương rộng lớn.
Ngoài ra, còn có các hồ nước tự nhiên đầy thơ mộng như hồ Ea Snô, hồ Tây…được tạo thành từ các sụt võng kiến tạo, các miệng núi lửa độc đáo và đặc trưng như Nâm Blang, Nâm Kar, Băng Mo…. và hệ thống các thác nước đẹp, hùng vĩ như thác Gia Long, thác Trinh Nữ, Dray Sáp…
Bên cạnh đó, Công viên Địa chất Đắk Nông còn đa dạng và phong phú các mỏ và điểm quặng khoáng sản bauxit, antimon, thiếc sa khoáng, puzơlan, đá quý và đặc biệt là đá bán quý opal– chalcedon kích thước lớn. Các phát hiện về di chỉ khảo cổ người tiền sử sinh sống trong khu vực hang động núi lửa của Công viên Địa chất đã thu hút sự chú ý của rất nhiều nhà nghiên cứu, du khách trong và ngoài nước.
Công viên Địa chất Đắk Nông còn là khu vực có bề dày văn hóa, lịch sử, với những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể như Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; di tích cấp quốc gia đặc biệt Đường mòn Hồ Chí Minh và 5 di tích cấp quốc gia khác như Ngục Đắk Mil, Căn cứ kháng chiến B4 – Liên tỉnh IV, Di tích lịch sử lưu niệm N’Trang Gưh, Địa điểm Chiến thắng Đồi 722 – Đắk Sắk, Địa điểm bắt liên lạc khai thông đường Hồ Chí Minh đoạn Nam Tây Nguyên đến Đông Nam Bộ.
Đến đây, du khách có thể trải nghiệm đời sống tinh thần đa dạng, phong phú của phần lớn các dân tộc trên địa bàn tỉnh, thể hiện rõ nét qua các tín ngưỡng dân gian, các nghi lễ, lễ hội, ngữ văn dân gian, nghệ thuật diễn xướng, các trò chơi dân gian,…những di sản văn hóa cần được gìn giữ, bảo tồn và phát huy.
Khu Bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung, Vườn quốc gia Tà Đùng, rừng đặc dụng – cảnh quan Đray Sáp và một phần phía nam của Vườn quốc gia Yok Đôn (xã Ea Pô, huyện Cư Jút) là những nơi lưu giữa các giá trị đặc trưng về đa dạng sinh học của khu vực Công viên Địa chất Đắk Nông.
Hệ thống động thực vật trong Công viên Địa chất rất phong phú với nhiều giống, loài quý hiếm, có tên trong sách đỏ Việt Nam và thế giới như: Voi, hổ, bò rừng và nhiều loài linh trưởng (Voọc Đen má trắng, Chà Vá chân đen, bò sát, chim Hồng Hoàng, Gà tiền mặt đỏ)…; Sồi Ba cạnh, Đỉnh Tùng, Sao, Trắc, Giáng Hương, Căm xe…
Đến nay, trong Công viên địa chất Đắk Nông có 5 núi lửa, gồm Núi lửa Nâm Dơng, Băng Mo (huyện Cư Jút), Nâm Blang, Nâm Kar (huyện Krông Nô) và Nâm Gle (huyện Đắk Mil). Trong số này, nổi bật là hang C7 có chiều dài 1.067m, được xác định là hang động dung nham dài nhất Đông Nam Á. Kế đến là hang C6.1 dài hơn 968 mét và hang C3 (hay còn gọi là hang Dơi) dài 594 mét.
Du khách sẽ được tham quan, chiêm ngưỡng hệ thống hang động núi lửa trong đá basal độc đáo, nguyên sơ vốn được xác lập kỷ lục dài nhất Đông Nam Á (khởi đầu từ huyện Krông Nô); ngắm nhìn các thắng cảnh hoang sơ, hùng vĩ như núi lửa Băng Mo (huyện Cư Jút), núi lửa Nâm Gleh R’luh (huyện Đắk Mil); tham gia hành trình về nguồn tại các buôn làng của người Ê-đê, M’Nông với nhiều nét độc đáo của văn hóa bản địa; tham quan Vườn quốc gia Tà Đùng với thắng cảnh hồ Tà Đùng, vốn được ví là vịnh Hạ Long trên cao nguyên…
Bảo tồn và phát triển
Xây dựng và phát triển du lịch một cách bền vững, bảo tồn nguyên vẹn các giá trị di sản, văn hóa truyền thống các dân tộc là một trong những mục tiêu mà tỉnh Đắk Nông hướng đến kể từ khi xây dựng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông.
Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông hội tụ đầy đủ các giá trị về địa chất, địa mạo, đa dạng sinh thái và văn hóa tộc người.
Ngoài những lợi thế về vị trí địa lý, Đắk Nông còn được thiên nhiên ưu ái ban tặng nhiều thắng cảnh thiên nhiên hùng vĩ, hữu tình, với địa hình thung lũng núi đồi xen kẽ, những hồ nước nên thơ và hệ thống thác nước tuyệt đẹp. Các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên với hệ sinh thái rừng, động vật, thực vật có nguồn gen quý hiếm, đặc hữu, nhiều ốc đảo lớn nhỏ. Đắk Nông còn là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc.
Tuy nhiên, có nhiều lợi thế nhưng du lịch tỉnh Đắk Nông vẫn còn nhiều thách thức, chưa phát huy được tiềm năng, lợi thế sẵn có. Theo đánh giá của các chuyên gia, hiện nay, người dân đang sống ở trên vùng di sản, tài nguyên về du lịch rất phong phú nhưng lại chưa biết cách khai thác sao cho hiệu quả.
Vì vậy, các ngành chức năng phải chú trọng tuyên truyền, hướng dẫn người dân trong quá trình phát triển kinh tế cần có ý thức về bảo tồn bản sắc văn hóa, giữ gìn, khai thác các vốn quý mà thiên nhiên ưu đãi mới có thể thúc đẩy du lịch phát triển một cách bền vững.
Dưới sự tư vấn, hỗ trợ của các chuyên gia, tỉnh Đắk Nông đã xây dựng được 3 tuyến du lịch công viên địa chất, gồm: “Trường ca của nước và lửa”, “Bản giao hưởng của sự đổi thay” và “Âm vang từ Trái đất”, với 44 điểm di sản. Trong đó, hệ thống hơn 100 hang động núi lửa lớn nhất Đông Nam Á là di sản độc đáo mà thiên nhiên ban tặng cho vùng đất Đắk Nông.
Theo bà Lê Thị Hồng An, Phó Giám đốc Ban Quản lý Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông, kể từ khi tỉnh Đắk Nông bắt tay vào xây dựng hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận danh hiệu công viên địa chất toàn cầu đến nay, Ban Quản lý cùng chính quyền địa phương phối hợp tuyên truyền, hướng dẫn người dân nâng cao nhận thức về bảo vệ di sản vùng công viên địa chất để phát triển du lịch nhưng thực tế kết quả chưa được như mong muốn.
Do đó, để phát huy hơn nữa giá trị của Công viên địa chất UNESCO Đắk Nông, Ban quản lý đang tiếp tục phối hợp với các địa phương tổ chức các lớp tập huấn tuyên truyền, quảng bá và nâng cao nhận thức cho người dân, đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch, các đối tác.
Hiện tại, Ban Quản lý đang tham mưu UNND tỉnh Đắk Nông xây dựng Đề án “Khoanh vùng di sản và phương án bảo tồn, phát huy tổng thể các giá trị của Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông” để quy hoạch, làm định hướng phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương.
Ngoài ra, tỉnh Đắk Nông cũng đang nỗ lực kêu gọi, khuyến khích cộng đồng và doanh nghiệp đầu tư, phát triển đồng bộ các sản phẩm phục vụ du lịch. Tỉnh ưu tiên mời gọi đầu tư các dự án du lịch trọng điểm, các mô hình du lịch cộng đồng gắn với các điểm di sản địa chất; phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng theo chủ đề của công viên địa chất nhằm tạo sự khác biệt, có tính sáng tạo và sức cạnh tranh.
Tại Hội nghị giới thiệu, quảng bá hình ảnh và kêu gọi đầu tư du lịch tỉnh Đắk Nông năm 2020, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tôn Thị Ngọc Hạnh đã bày tỏ mong muốn thu hút được các doanh nghiệp, tập đoàn du lịch mạnh, có đủ năng lực đầu tư xây dựng các dự án du lịch lớn nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ cho du lịch tỉnh phát triển một cách bền vững. Tỉnh Đắk Nông cũng sẽ nỗ lực hết mình vì một môi trường đầu tư kinh doanh năng động và hiệu quả.
Tỉnh Đắk Nông đang kêu gọi các tổ chức và doanh nghiệp tham gia vào phát triển du lịch, dịch vụ để hoàn thiện các sản phẩm du lịch và phát triển du lịch vùng Công viên địa chất Đắk Nông. Quan điểm của tỉnh Đắk Nông là khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương trên cơ sở bảo tồn và phát huy tối đa các lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, các giá trị di sản địa chất, di sản văn hóa nổi bật, đa dạng sinh học.
Tỉnh Đắk Nông cũng đã xúc tiến, quảng bá và hợp tác phát triển du lịch vùng Công viên địa chất, tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng về du lịch tại vùng Công viên địa chất, góp phần phát triển du lịch, đẩy mạnh phát triển kinh tế trong vùng Công viên địa chất Đắk Nông.
Hy vọng với sự nỗ lực của chính quyền địa phương, ngành chức năng và doanh nghiệp sẽ góp phần thúc đẩy phát triển Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông một cách toàn diện và bền vững.
- VỀ ĐẮK NÔNG SAY MÊ THÁC TRINH NỮ