Ẩm thực Đắk Lắk có gì “ghiền”?

Ẩm thực Đắk Lắk có gì “ghiền”?

Ẩm thực Đắk Lắk có gì “ghiền”?
 28 Tháng 12 2020 4110 Đăng bởi Tâm An

Ẩm thực Đắk Lắk có gì “ghiền”?

Đắk Lắk không chỉ thu hút khách du lịch bởi cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, nên thơ mà còn bởi nét độc đáo của ẩm thực nơi đây. Du khách chỉ cần ăn một lần là “ghiền”, muốn quay lại để thưởng thức nhiều lần sau nữa...

1. Rượu cần

Người ta vẫn thường nói đến Tây Nguyên hãy thử rượu cần. Rượu cần là thứ uống truyền thống quen thuộc của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên vào các dịp Lễ hội hay có khách quý, tất cả mọi người già, trẻ, gái, trai đều cùng uống với nhau chung cần. Rượu cần Y Miên chính gốc Buôn Ma Thuột nổi tiếng, đặc sản của Đăk Lăk, được làm từ men lá cây rừng ủ với nếp, bo, sắn, đặc biệt là được ủ bằng nếp nương nên càng thơm ngon, để càng lâu uống càng ngon, không lo bị hỏng.

Cần để uống được làm bằng cây trúc hay cây triêng dài cả mét, được phơi khô rồi rút bỏ lõi. Đến Đăk Lăk bạn hãy cùng tham gia vào những điệu múa, điệu nhảy hay ngồi quây quần bên chum cần và thưởng thức hương vị rượu ngon tuyệt mà không nơi đâu có được.

2. Cơm lam

Cơm lam là món ăn phổ biến của người đàn ông Tây Nguyên xưa khi đi làm rẫy, đi rừng dài ngày, đây cũng là món ăn nổi tiếng ở bản Đôn. Để có món cơm lam ngon cần phải tỉ mỉ, khéo léo từ chọn nguyên liệu đến chế biến. Phải chọn loại gạo nếp thơm, trắng, dẻo, ngâm qua đêm, thêm một chút muối trộn đều rồi cho vào ống lam nướng trên bếp. Ống lam phải chọn cây nứa khô còn non, chặt lấy gióng lưng chừng nứa.

Khi ăn chỉ cần bóc lớp nứa bên ngoài, cắt khúc, vị thơm của gạo quyện  lẫn mùi tre nứa, sẽ làm bạn không cưỡng lại mà muốn nếm thử ngay một miếng. Cơm lam thường được dùng với muối vừng, thịt gà hoặc thịt lợn rừng nướng. Tất cả tạo nên hương vị bùi bùi hấp dẫn.

3. Thịt nai

Đến Đăk Lăk, bạn sẽ được thưởng thức món ăn mang đậm chất núi rừng – thịt nai rừng. Người dân ở đây cho nai ăn những nguyên liệu tự nhiên nên thịt khá thơm và dai, ít gân, mỡ màu trắng ngà, mềm hơn cả thịt bê non. Thịt nai được chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn như: nai nướng, nai xào lăn, nai nhúng giấm, sườn nai rán…

Món ăn nào cũng đều làm say lòng du khách. Đặc biệt là món thịt nai khô dai dai, cay cay còn nguyên mùi khói được nhiều người tâm đắc, khen ngợi. Bạn có thể mua ít thịt nai khô về làm quà đặc sản Đăk Lăk cho gia đình, bạn bè.

4. Gà nướng bản Đôn

Gà nướng thì chắc hẳn đã quen thuộc với nhiều người nhưng gà ở bản Đôn lại có vị ngon riêng hấp dẫn du khách. Gà phải là gà thả vườn chính hiệu, gà được nuôi thả rông tự do, thức ăn chính là cỏ non, côn trùng và lúa rẫy. Để tạo được hương vị riêng và trở thành đặc sản Đăk Lăk, người dân bản Đôn có bí quyết chế biến riêng.

Những con gà được nướng chỉ nặng hơn 1kg, được làm sạch sẽ, tẩm ướp gia vị rồi đem nướng trên than củi. Khi đi qua những quán gà nướng, hương thơm phức của gà sộc vào mũi như níu người ta lại thưởng thức. Gà nướng ngon đúng điệu thì phải chấm với muối ớt hoặc muối sả dậy lên hương vị thật tuyệt.

5. Bơ sáp

Bơ sáp thì nhiều vùng cũng có nhưng bơ sáp Đăk Lăk dẻo quánh, có vị béo thơm đặc trưng mà không loại bơ nào sánh được. Khi đến Đăk Lăk vào khoảng tháng 5 tới tháng 8 bạn sẽ gặp mùa bơ. Những trái bơ sáp khá đặc ruột, cầm nặng tay hơn các loại bơ khác được rất nhiều du khách yêu thích. Chỉ cần chút sữa, chút đường, chút đá là đã có ngay ly sinh tố bổ dưỡng, béo ngậy.

6. Mật ong hoa cà phê

Mật ong hoa cà phê vì sao có tên gọi như vậy, đó là bởi quá trình ong sinh sống hút và tạo mật đều gắn liền với cây cà phê, vào mùa hoa cà phê nở rộ như trong bài hát “Tháng 3 mùa con ong đi lấy mật” là mùa mà những chú ong tích cực bay đi tìm mật khắp quanh các cây cà phê, hút phấn hoa cà phê và cho ra những giọt mật ong hoa cà phê thuần khiết, màu sắc vàng óng và vị thơm ngon đặc trưng.

Có dịp lên Đắk Lắk bạn dễ dàng tìm mua được mật ong hoa cà phê chính hiệu từ người dân ở đây, đây cũng là đặc sản rất phù hợp để bạn mua về làm quà tặng gia đình, bạn bè đồng nghiệp.

7. Cà đắng

Cà đắng là loại cây quen thuộc mà nhà nào ở đây cũng trồng vài cây để ăn quanh năm. Đây cũng là món ăn đặc sản dân giã của Đăk Lăk. Cà có vị đắng nhưng không khó ăn mà khi ăn vào lại thấy giòn giòn, bùi bùi. Cà đắng có thể chế biến được thành nhiều món như: cà xào với cá suối, nấu canh, xào tép khô, kho thịt, muối sổi… Khi có dịp ghé nơi đây, bạn hãy thử thưởng thức món dân dã mang đặc trưng riêng, không kém phần hấp dẫn này.

8. Cá bống kho riềng

Thêm một món ăn của núi rừng Tây nguyên, cá bống, sống ngay trong dòng thác đổ từ cao xuống, mình bé và trắng, thân tròn săn chắc như ngón tay. Cá được làm sạch rồi ướp muối, cho vào chảo chiên vàng, sau đó cho riềng vào, đợi mùi thơm lừng của cá và riềng tỏa ra khắp nơi thì cho các gia vị: hành tiêu, ớt, đường và bột ngọt sao cho vừa ăn.

Ăn một miếng cá thơm phức hương riềng, ăn kèm cùng cơm nữa thì thật tuyệt vời, làm người ta “nghiện”. Bạn đừng quên thưởng thức món ăn đậm vị truyền thống của đồng bào dân tộc Đăk Lăk này nhé.

9. Lẩu cá lăng

Đăk Lăk với dòng Sêrêpôk nổi tiếng hoang dã, bí ẩn được thiên nhiên ưu đãi ban tặng cho loại cá quý là cá lăng rắn chắc, thịt thơm ngon nổi tiếng. Cá lăng có thể chế biến được nhiều món ăn khác nhau nhưng hơn nhất là món lẩu cá lăng để lại nhiều ấn tượng với hương vị ngon, hấp dẫn độc đáo, được nhiều du khách khen ngợi.

Món lẩu còn có tác dụng giải nhiệt rất tốt cho những ngày hè oi bức. Khi đến Đăk Lăk mà không thưởng thức món lẩu cá lăng thì thật đáng tiếc.

10. Măng le

Trên miền đất đỏ, bạn sẽ bắt gặp cây le thuộc họ tre nứa khá phổ biển ở đây. Măng le là món đặc sản Đăk Lăk được lòng du khách, ngon không thua kém gì măng tre. Măng le từ phần ngọn của cây măng dùng tươi hoặc cắt lát phơi khô. Với đặc điểm đặc ruột, vị ngọt, bùi, không đắng chát, măng le có thể chế biến được những món ăn đơn giản như: măng le nấu cùng thịt vịt, măng le hầm giò heo, măng le xào gan…

Đặc biệt, khi vào các buôn, du khách được ăn món măng le nấu với thịt nai khô ăn kèm với cơm trắng thì còn gì tuyệt bằng. Tuy không phải cao lương mĩ vị, nhưng với những gì mộc mạc nhất, măng le là món ăn đặc sản chiếm được nhiều cảm tình của du khách cho mảnh đất đỏ bazan đầy nắng, gió.

11. Bún đỏ Buôn Mê Thuột

Bún đỏ là món ăn đặc sản chỉ có ở Buôn Ma Thuột, nhưng nó cũng chỉ là một món ăn vỉa hè hết sức bình dị. Lang thang khắp thành phố thì thấy hầu như chỗ nào có bán thức ăn nhanh, bún, miến, cháo, phở là y như rằng có bún đỏ. Nhưng các quán bún đỏ ngon và nổi tiếng chủ yếu tập trung ở góc phố Phan Đình Giót giao với Lê Duẩn.

Bún đỏ là tên được gọi theo màu của sợi bún. Bản thân sợi bún ở đây trông đã khác lạ so với sợi bún ở nơi khác, bởi nó to cỡ chiếc đũa, ăn dai dai giòn giòn. Để tạo màu đỏ cho bún, người ta nhúng bún vào một nồi nước dùng, mà theo “bật mí” của bác chủ hàng bún đỏ được làm từ hạt điều - loại “phẩm nhuộm” thực phẩm tự nhiên hết sức an toàn cho sức khỏe. Để tạo nên hương vị đặc sắc cho bún đỏ, tạo nên danh tiếng cho bún đỏ thì phải ở cách chế biến và nước dùng của bún. Nước dùng của bún được ninh từ xương với nước cua, tạo nên một vị ngọt thanh mát, đậm đà.

Điểm nhấn quan trọng trong nồi nước dùng là gạch cua với thịt ba chỉ xay, hành củ băm nhỏ trộn với hạt tiêu được nặn thành từng bánh nhỏ nấu chung với nước dùng. Thêm vào đó là trứng cút đã bóc vỏ. Miếng gạch cua thịt băm, trứng cút cứ được nấu trong nồi, đến khi làm bún cho khách thì vớt ra cho vào bát cùng nước dùng. Càng nấu, miếng gạch cua, thịt heo càng nhừ, càng đậm vị và nước dùng càng ngọt, thơm hơn. Ngoài gạch cua thịt băm, trứng cút, bát bún đỏ còn được “nêm” thêm rau cải ngọt, giá đỗ trần. Sau khi chan nước dùng lên thì rắc thêm ít hành củ băm nhỏ phi thơm cùng với tóp mỡ.

12. Gỏi lá

Gỏi lá được chọn từ hơn 40 loại lá khác nhau như như lá lộc vừng, sâm đất, hồng ngọc, mơ, cải cay, ổi, đinh lăng, sung, lá lốt, trâm, mã đề, diếp cá, chó đẻ răng cưa, quế, húng, thuyền đất… Lấy các loại lá này cuốn thành hình phễu để gắp vào đó các loại thức ăn. Các món ăn kèm với lá gồm thịt heo ba chỉ, tôm rang, da heo thái mỏng trộn cùng bột gạo nếp rang. Với sự hiện diện của hơn 40 loại lá rừng khác nhau, người ta gọi món ăn này là gỏi lá song nếu xét về cách thưởng thức thì món ăn này thuộc họ cuốn chấm sẽ chính xác hơn.

Nước chấm được làm từ bỗng rượu, được khử qua dầu ăn, lẫn cùng trứng vịt thành loại nước chấm sền sệt. Tiêu để nguyên cả hạt, muối hạt, ớt cay xanh, hành là những gia vị không thể thiếu. Kẹp đủ các loại lá, bỏ vào đó thịt, tôm, da heo, gia vị rồi ăn cùng một lúc, nhai càng kỹ càng dễ nhận ra nhiều hương vị vừa có vị chan chát, vừa ngòn ngọt, chua chua và vừa bùi béo ngậy của thịt, tôm.

Sau mỗi lần ăn, làm thêm một ngụm rượu được ngâm lâu ngày từ rễ cây đinh lăng. Cuối cùng là một nồi cháo cá lóc, nóng hổi để ăn lót bụng là tuyệt nhất. Theo nhiều người dân phố núi, ăn gỏi lá nhiều rất tốt, bởi hầu hết đều là những lá cây thuốc nam có tác dụng chữa bệnh. Người mắc các chứng bệnh về tim mạch, đường tiêu hóa… ăn vào có thể chữa bệnh.

Nếu có dịp ghé vùng đất đỏ bazan, hãy thưởng thức những món ăn đặc sản Đăk Lăk mang đậm hương vị núi rừng hoang dã, đậm đà, mang bản sắc riêng của người dân nơi đây. Những hương vị thơm ngon đặc trưng, riêng biệt không lẫn vào đâu được chắc chắn sẽ mang lại cho bạn những ấn tượng khó quên.

DU LỊCH ĐẮK LẮK CÓ GÌ HOT?

CÁNH ĐỒNG QUẠT GIÓ ĐẮK LẮK - NƠI "SỐNG ẢO"

Chia sẻ:
Bài viết liên quan
© 2020 123tadi.comThiết kế và phát triển bới Sweetsoft JSC
server-notice